Huyện Tiên Phước vừa tổ chức hội nghị góp ý xây dựng đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại bền vững gắn với du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, giai đoạn 2016 - 2025”.
Đây là đề án do huyện Tiên Phước tham mưu UBND tỉnh chủ trì xây dựng trình HĐND tỉnh thông qua nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế hỗ trợ để huy động, lồng ghép các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng Tiên Phước thành vùng trọng điểm kinh tế vườn của tỉnh.
Đánh thức tiềm năng
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Hường Văn Minh khẳng định, Tiên Phước có những tiềm năng, thế mạnh rất lớn về phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững với các loại cây trồng đặc sản không chỉ của riêng địa phương mà của cả tỉnh như lòn bon, tiêu, trầm hương, thanh trà…, đồng thời cũng là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng, là nơi hội tụ nét văn hóa của vùng trung du, nơi tiếp biến, giao thoa và đan xen văn hóa miền núi và đồng bằng của tỉnh. Trên địa bàn huyện có 34 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia; hơn 60 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm tuổi với nhiều danh thắng như sông Tiên, bãi đá Lò Thung, Hang Dơi, thác Ồ Ồ … có giá trị rất lớn về phát triển du lịch. Phát huy tiềm năng đó, những năm qua huyện đã tập trung hỗ trợ nhân dân đầu tư xây dựng, phát triển mạnh hệ thống vườn nhà, vườn rừng, trang trại, xây dựng một số vùng sản xuất tập trung, mô hình vườn sinh thái đem lại kết quả khả quan.
Tiêu là loại cây trồng đặc sản vừa cho giá trị kinh tế cao vừa tạo cảnh quan cho vườn quê Tiên Phước. |
Hiện toàn huyện có khoảng 5.600ha vườn đã được cải tạo, đưa vào trồng mới hàng ngàn héc ta cây trồng đặc sản. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các danh thắng theo hướng vừa đảm bảo sự hài hòa, vừa giữ lại nét đặc trưng của làng quê xưa; triển khai trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch, tổ chức phiên chợ xứ Tiên thu hút hàng ngàn lượt nhân dân, du khách đến tham quan, mua sắm và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng, món ăn truyền thống. Tuy nhiên, trong điều kiện của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nên mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều tiềm năng của huyện vẫn chưa được phát huy đúng mức. Du lịch Tiên Phước chưa có nhiều khởi sắc như kỳ vọng. Các địa danh giàu tiềm năng và truyền thống của địa phương ít được biết đến, người dân chưa được hưởng lợi từ du lịch.
Ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, để phát huy hơn nữa tiềm năng của huyện, cần tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, lồng ghép các nguồn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, sắp xếp lại dân cư, tập trung mở rộng không gian thị trấn Tiên Kỳ, đảm bảo hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.
Bảo tồn bản sắc
Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, xây dựng làng quê sinh thái Theo đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại bền vững gắn với du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, giai đoạn 2016 - 2025”, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có hơn 1.000 vườn đạt tiêu chí xanh, sạch đẹp, hiệu quả, hình thành các làng vườn sinh thái liên hoàn, tăng giá trị hàng hóa kinh tế vườn từ 60 triệu đồng/ha/năm (năm 2016) lên 100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025, Nhà nước đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích cụ thể như: hỗ trợ 20 đến 50 nghìn đồng/cây trồng mới đối với các loại cây trồng đặc sản của huyện, mô hình trồng 100 cây trở lên hỗ trợ 7,5 đến 10 triệu đồng, hỗ trợ 3 triệu đồng cho ao cá xây mới có diện tích từ 50m2 trở lên, hỗ trợ ngõ lát đá tự nhiên 100 nghìn đồng/m chiều dài, hàng rào xanh 30 nghìn đồng/m, chất bờ đá quanh vườn hỗ trợ 50 nghìn đồng/m, cây lưu niên được hỗ trợ phí chăm sóc 200 nghìn đồng/cây/năm… Ngoài ra Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí bảo tồn phát huy cảnh quan không gian làng truyền thống, phát huy các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, hệ thống dịch vụ giới thiệu, quảng bá các giá trị kinh tế, văn hóa, sinh thái làng. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án trong giai đoạn 2016 - 2025 hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 230 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 298 tỷ đồng và vốn đầu tư của nhân dân 176 tỷ đồng. |
Cùng với việc ủng hộ chủ trương xây dựng và thực hiện đề án, đại biểu các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đánh giá cao mục tiêu và giá trị đạt được của đề án; khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của đề án trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống của vùng đất Quảng Nam nói chung, đồng thời tạo ra sản phẩm mô hình không gian văn hóa đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Đặc biệt các đại biểu quan tâm đóng góp nhiều ý kiến bổ sung nhằm hoàn thiện đề án theo hướng sát thực, khả thi nhất. Phó Giám đốc sở VH-TT&DL - ông Hồ Xuân Tịnh góp ý: “Cùng với cơ chế khuyến khích phát triển các loại cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao như tiêu, lòn bon, thanh trà, đề án cũng cần quan tâm đến các loại cây trồng truyền thống tuy giá trị kinh tế không cao nhưng có giá trị bảo tồn bản sắc văn hóa như cây mít, vừa giữ được sản phẩm ẩm thực mít trộn đặc trưng vừa tạo nguồn gỗ phục vụ trùng tu các di tích trong tương lai”.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN lại quan tâm đến công tác quảng bá phong cảnh hữu tình cũng như những sản vật đặc trưng của làng quê Tiên Phước. Bà Trinh chia sẻ: “Tôi công tác tại Tam Kỳ, chỉ cách Tiên Phước hơn 20 cây số, đã nghe nói nhiều về Tiên Phước nhưng vẫn ngỡ ngàng khi được nhìn thấy các danh thắng như Lò Thung, thác Ồ Ồ, làng cổ Lộc Yên... Tôi sẽ giới thiệu điểm đến hấp dẫn này với gia đình, bạn bè và sẽ tổ chức một chuyến về với Tiên Phước trong thời gian tới”. Qua câu chuyện của mình, bà Trinh cũng góp ý với huyện về giải pháp tăng cường quảng bá sâu rộng hình ảnh, thương hiệu cũng như các đặc sản của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội nhằm tạo sự lan tỏa, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý, cần quan tâm đến cơ chế hỗ trợ, cam kết giữa Nhà nước và nhân dân về bảo tồn giá trị nhà cổ, làng cổ; quan tâm phục dựng lễ hội truyền thống phục vụ du lịch như lễ hội xứ Tiên với các nội dung ẩm thực, hội thi nét đẹp xứ Tiên…
PHẠM HOÀNG - NGUYỄN HƯNG