Xây trường từ nguồn xã hội hóa

NGUYỄN DƯƠNG 01/02/2018 13:03

Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, cơ sở vật chất tạm bợ, các điểm trường xa xôi nhưng nhờ sự vận dụng nguồn xã hội hóa, Nam Trà My lần lượt xây dựng từng ngôi trường khang trang, đáp ứng được nhu cầu dạy và học của thầy và trò ở vùng cao.

Từ nguồn vốn xã hội hóa, trẻ em trên địa bàn huyện Nam Trà My được học trong những ngôi trường khang trang hơn. Ảnh: N.D
Từ nguồn vốn xã hội hóa, trẻ em trên địa bàn huyện Nam Trà My được học trong những ngôi trường khang trang hơn. Ảnh: N.D

Xóa bỏ trường tạm

Theo ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, cách đây 3 - 4 năm, học sinh ở các điểm trường thôn xa xôi của huyện đều phải học trong những lớp học ghép, tạm bợ. “Phòng học chỉ mấy tấm ván gỗ ghép tạm, mái lợp tôn thủng lỗ chỗ, nền đất nện nên học sinh và thầy cô dạy và học trong điều kiện rất vất vả. Trong khi đó, nguồn lực của huyện lại không thể xây dựng được tất cả điểm trường này. Vì vậy, chúng tôi cố gắng vận động từ nguồn xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để có điều kiện dựng trường cho các em học sinh” - ông Thuận cho biết. Từ đó, Phòng GD&ĐT huyện tranh thủ các mối quan hệ để kêu gọi mọi người trong và ngoài tỉnh chung tay xóa trường tạm trên địa bàn. Điều may mắn là đã có rất nhiều tấm lòng hướng về các em học sinh ở Nam Trà My, qua đó nhiệt tình ủng hộ kinh phí xây dựng các điểm trường khang trang hơn. “Chỉ tính riêng tại các điểm trường thôn ở các nóc đã xây dựng được 45 phòng học cho các lớp mẫu giáo, tiểu học với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng. Trong năm 2016 - 2017, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các mạnh thường quân, Nam Trà My đã xây dựng 20 ngôi trường với 50 phòng học, 40 phòng ở cho giáo viên, 20 bộ năng lượng mặt trời, 20 nhà ăn, 20 nhà vệ sinh, 3 khu nội trú và 10 bếp cơm cho học sinh” - ông Thuận cho biết thêm.

Đó là những con số rất ấn tượng đối với một huyện miền núi nghèo như Nam Trà My. Đến thời điểm này, cơ bản các điểm trường tại các thôn xa xôi nhất của huyện đều đã có những phòng học mới, được lát gạch men sạch sẽ. “Những điểm trường khó khăn nhất ở các xã như Trà Leng, Trà Tập, Trà Vinh... giờ đã được làm mới. Thầy cô giáo và các em học sinh có điều kiện tốt hơn trong dạy và học” - anh Nguyễn Trần Vỹ - cán bộ Phòng GD&ĐT Nam Trà My nói. Thông qua Câu lạc bộ Kết nối yêu thương tại Nam Trà My mà anh Vỹ là thành viên, câu lạc bộ đã kêu gọi các nhà hảo tâm trên cả nước cùng chung tay giúp cho học sinh nơi đây có điều kiện học hành. “Chỉ tính riêng Câu lạc bộ Kết nối yêu thương  đã huy động được hơn 12 tỷ đồng để thực hiện các chương trình thiết thực, từng bước xóa bỏ phòng học tạm bợ trên địa bàn” - anh Vỹ cho biết.

Bữa cơm có thịt

Không dừng lại ở việc xây trường, các cán bộ ngành GD&ĐT huyện còn tìm cách huy động nguồn để cải thiện bữa ăn cho trẻ em ở những điểm trường thôn nóc. “Đối với học sinh miền núi, theo Nghị định 116 của Chính phủ, mỗi tháng học sinh bậc tiểu học được hỗ trợ 15kg gạo và khoảng 480 ngàn tiền ăn/em, còn bậc mầm non, mẫu giáo là 120 ngàn tiền ăn/em. Vì vậy bữa ăn của các em thiếu chất dinh dưỡng nên chúng tôi đã vận động nhiều tổ chức giúp đỡ cải thiện  bữa ăn cho các em” - ông Võ Đăng Thuận cho biết. Các điểm trường được xây dựng đa số đều có nhà ăn để nấu cho học sinh bán trú ăn. “Thông thường, mỗi thôn có một điểm trường, mà trường đó là chung của 2 - 3 nóc. Có nơi các em phải đi cả 2 tiếng đồng hồ mới tới được trường. Vì vậy, bữa ăn bán trú với các em rất quan trọng nhưng do điều kiện hạn hẹp nên cả giáo viên và học sinh rất khổ. Từ đó, chúng tôi muốn giúp các em có đủ chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn để có sức mà học hành” - anh Vỹ kể. Nhiều chương trình như bữa cơm có thịt, nuôi heo cải thiện hay đông ấm yêu thương... được kết nối với những hoàn cảnh khó khăn, giúp bữa ăn của các em được cải thiện đáng kể. Hiện nay, chương trình bữa cơm có thịt đã được áp dụng 10/10 xã trên địa bàn huyện với tổng kinh phí chừng 600 - 700 triệu đồng/năm. Không chỉ bữa cơm có thịt mà sữa tươi, trái cây cũng được bổ sung giúp cho các em học sinh ở đây được ăn uống đầy đủ hơn. Đây là kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa mà các cán bộ huyện đã kêu gọi, tổ chức được.

Ngoài ra, Câu lạc bộ Bạn thương nhau ở Đà Nẵng cũng đã đồng ý nhận nuôi các em học sinh ở Khe Chữ (thôn 5 xã Trà Vân) trong vòng 4 tháng từ khi lập làng mới để giúp cha mẹ các em yên tâm kiến thiết lại cuộc sống của gia đình. Đó là những đóng góp rất đáng quý, giúp tình hình học tập của các em học sinh ở huyện Nam Trà My được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Cô giáo Nguyễn Thị Như Hảo ở Trường Mẫu giáo Phong Lan, xã Trà Tập, cho biết, trước đây không có trường, cô và trò dạy và học ở phòng học tạm, được dựng lên bằng mấy tấm gỗ, mỗi lần mưa, gió lùa tứ phía là cô trò lại co cụm với nhau để tránh rét. “Khổ thế nên giờ có được ngôi trường mới, ai cũng mừng, nhất là các cháu. Giờ chúng tôi tập trung để cải thiện bữa ăn cho các cháu, bởi trẻ em ở đây thiếu chất dinh dưỡng rất nhiều” - cô giáo Hảo chia sẻ. Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết,  nhờ nguồn vốn từ xã hội hóa giáo dục nên đã có hơn 80% các điểm trường ở các thôn đã được xây dựng khá kiên cố, tạo cho con em trên địa bàn có điều kiện để học tập tốt hơn. “Thời gian tới, UBND huyện cùng các ban ngành kêu gọi các nhà đầu tư, nhà hảo tâm tiếp tục xây dựng những điểm trường mới giúp các học sinh trên địa bàn không còn phải học trong điều kiện khó khăn” - ông Phước cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây trường từ nguồn xã hội hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO