Xem nhẹ khâu tiêm phòng

TƯ RUỘNG 01/11/2016 09:18

Cuối tuần rồi, ra xã Bình Trung (Thăng Bình) tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Ba Vinh Phú. Vừa hỏi đến chuyện phát triển chăn nuôi, anh Ba liền chậc lưỡi: “Chu choa, hồi giữa tháng 9 dương lịch, 2 con trâu của tui đang khỏe mạnh thì bỗng dưng sốt cao, bỏ ăn, nằm ủ rũ, miệng chảy nhiều nước dãi vì bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. Thấy vết thương dưới chân và trên miệng, lưỡi của nó quá nặng, tui cứ sợ lỡ cả hai con bị chết thì sẽ mất đứt không dưới 50 triệu đồng. Cũng may, nhờ ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương kịp thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và hỗ trợ thuốc kháng sinh, dung dịch để chữa trị nên chừng 10 ngày sau những vết lở loét lành dần. Nói thật với chú Tư mi, mặc dù bây giờ 2 con trâu đã khỏi bệnh nhưng tui vẫn nơm nớp lo loại dịch nguy hiểm ấy sẽ tái bùng phát. Bởi, hiện nay thời tiết diễn biến hết sức bất lợi, trong khi đó thời gian qua tui lại chưa tiến hành tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho trâu”.

Rất ít người chăn nuôi quan tâm đến việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn heo. Ảnh: TƯ RUỘNG
Rất ít người chăn nuôi quan tâm đến việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn heo. Ảnh: TƯ RUỘNG

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, trong đợt dịch vừa qua ở quê anh Ba Vinh Phú còn có 21 con trâu, 14 con heo, 2 con bò của 16 hộ dân khác bị vi rút gây bệnh lở mồm long móng tấn công. Tuy ổ dịch tại vùng này đã được cơ quan chuyên môn dập tắt hoàn toàn nhưng không ai dám chắc trong những ngày tới bệnh lở mồm long móng sẽ không xuất hiện trở lại trên địa bàn xã Bình Trung nói riêng và các địa phương khác của huyện Thăng Bình nói chung, bởi thực tế cho thấy công tác tiêm phòng vắc xin ở nhiều nơi diễn ra rất ì ạch. Theo số liệu thống kê, hiện giờ toàn huyện Thăng Bình có 20.200 con bò, 9.600 con trâu, 100.000 con heo.

Thế nhưng, trong đợt 1 năm 2016 diễn ra từ tháng 2 - 3 dương lịch mới chỉ tiêm được 3.110 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn heo của một trang trại có quy mô lớn tại xã Bình Phú. Còn đợt 2, mặc dù kế hoạch của tỉnh đưa ra là thực hiện từ đầu tháng 8 tới cuối tháng 9 nhưng đến đầu tháng 10 cũng chỉ chích được 5.471 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, heo ở các xã Bình An, Bình Trung, Bình Tú, Bình Chánh, Bình Phú. Tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2016 do UBND huyện Thăng Bình vừa tổ chức, một số ý kiến cho rằng sở dĩ tỷ lệ đàn gia súc được chích ngừa vắc xin đạt rất thấp là do phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không quan tâm đến khâu này, trong khi đó sự vào cuộc của những đơn vị liên quan ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt và đội ngũ thú y cơ sở còn thiếu, không nhiệt tình với công tác tiêm phòng...

Hôm qua, nghe chuyện, chị Chín Nông Nghiệp nói: “Chẳng riêng gì huyện Thăng Bình đâu chú Tư, tại rất nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh mình cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo số liệu tui vừa nắm được, tính đến cuối tháng 10.2016 toàn tỉnh có 517.000 con heo, 169.000 con bò, 73.150 con trâu. Trong khi đàn heo hầu như không được tiêm phòng thì tỷ lệ đàn trâu và bò được chích ngừa vắc xin lở mồm long móng cũng đạt rất thấp. Cụ thể là, trong đợt 1 có 36,56% tổng đàn trâu, bò được tiêm loại vắc xin này, còn đợt 2 vừa rồi thì cũng chỉ đạt 39,96%. Với tỷ lệ tiêm phòng không đảm bảo đạt ngưỡng 80% tổng đàn như yêu cầu đặt ra thì thời gian tới nguy cơ dịch lở mồm long móng tái bùng phát trên đàn gia súc là rất cao”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xem nhẹ khâu tiêm phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO