Tác giả Phan Thị Minh Hiền vừa ra mắt cuốn sách “Xin đừng chiến tranh” (Nxb Đà Nẵng - 2017). Cuốn sách dài hơn 120 trang, ghi chép về những hồi ức, câu chuyện mà nhiều trẻ em hai miền Nam, Bắc phải chịu đựng trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, khốc liệt, từ việc sơ tán, bệnh tật, chia ly bố mẹ, người thân… với những nhân vật có thật.
Tác giả Phan Thị Minh Hiền (thứ hai từ trái qua). |
Phan Thị Minh Hiền lớn lên trong chiến tranh, đã thực sự chịu đựng sự mất mát do chiến tranh, vì thế “Xin đừng chiến tranh” như một cuốn hồi ký của tác giả và của những người đã đi qua chiến tranh khi còn chưa kịp trưởng thành. “Xin đừng chiến tranh” mang tính chân thật cao, tác động mạnh mẽ vào tâm lý người đọc bằng lời kể của chính những người từng sống trong chiến tranh, qua đó người đọc biết thêm nhiều sự thật đằng sau mỗi cảnh đời, hiểu hơn về nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà những đứa trẻ trong chiến tranh phải chịu đựng. Và từ đó, tác giả mang đến cho người đọc một góc nhìn khác về chiến tranh để hiểu rằng chiến tranh không đơn thuần chỉ là chuyện của người lớn nữa. Bằng lòng trắc ẩn, tác giả Phan Thị Minh Hiền đã đem đến cho người đọc những trang viết đầy tính nhân văn, vừa như sự tố cáo tội ác của chiến tranh lên trẻ thơ, vừa như lời kêu gọi khẩn thiết: Vì hòa bình nhân loại, vì tâm hồn trẻ thơ, xin đừng chiến tranh!
Tác phẩm của nhà văn Phan Thị Minh Hiền được nhà văn Thanh Quế đánh giá cao. Ông nhận xét: “quyển sách mới đọc ngỡ như những ghi chép, nhưng đọc kỹ sẽ thấy tầm vóc tư tưởng đáng chú ý khi đề cập sự mất mát đối với tuổi thơ do chiến tranh gây nên”, và ông đề xuất dịch cuốn sách sang tiếng nước ngoài. Ông Đặng Việt Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nhận xét: “Đọc tác phẩm, tôi cảm phục sự nỗ lực lao động của tác giả. Bằng trí tuệ và con tim, tác giả đã truyền những tinh hoa và giọt mồ hôi lao động vào tác phẩm, đó là điều đáng trân trọng”.
PHƯƠNG ĐẶNG