Xin ý kiến dân

C.B.L 22/05/2018 08:50

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc hôm qua, 21.5. Trước kỳ họp, rất nhiều ý kiến cử tri trên cả nước gửi đến Quốc hội về những vấn đề “nóng” và bức xúc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung quy định đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng, nếu có nhu cầu thì thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh.

Cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất chưa biết cụ thể như thế nào nhưng xem ra là rất mới trong tình hình hiện nay, khi những vụ kiện liên quan đến đất đai ngày càng lớn và phức tạp.

Có cử tri cho rằng, nên bãi bỏ ngay quy định cho phép chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành, mở đường cho doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận.

Một cử tri ở Đà Nẵng từng đề nghị đối với việc thu hồi đất (sau này là Điều 16 trong Luật Đất đai năm 2013), thì Luật Đất đai cần quy định: “chỉ thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia hoặc đối với người sử dụng đất vi phạm pháp luật”. Còn đối với các dự án kinh tế, thương mại thì không được thu hồi mà phải trưng mua, theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.

Ở một vấn đề khác không liên quan, cử tri trên cả nước không đồng tình với thông tin Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên khi bộ này xây dựng Luật Thuế tài sản. Cử tri đề nghị phải lấy ý kiến người dân về vấn đề này. Nhưng có lẽ Bộ Tài chính… không lấy vì biết chắc kết quả là dân sẽ không đồng tình! Và dù sao, đây cũng mới dừng lại việc cử tri yêu cầu “lấy ý kiến người dân” chứ không phải là “trưng cầu ý dân”.

Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016) quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của đất nước. Chợt nghĩ, còn nhiều vấn đề trong Luật Đất đai mà Bộ TN&MT đang tiếp tục tổng hợp vướng mắc, bất cập và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung theo góp ý của các địa phương để hoàn thiện; liệu có thể không một cuộc trưng cầu ý dân đối với riêng việc thu hồi đất? Hay đơn giản hơn, là xin ý kiến dân theo hình thức tổ chức tham vấn các đối tượng chịu tác động của luật, thì há chẳng phải chấm dứt “kịch bản Thủ Thiêm” lặp lại và diễn ra trên cả nước sao?

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xin ý kiến dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO