Tuy không nhiều, nhưng những phần trợ cấp đối với trường hợp chết vì tai nạn lao động đã phần nào xoa dịu nỗi đau cho gia đình nạn nhân.
Chưa kịp trọn vẹn niềm vui với căn nhà mới, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Nông Sơn, xã Điện Phước, Điện Bàn) phải chịu nỗi đau quá lớn khi chồng là ông Nguyễn Đình Tuấn chết do tai nạn lao động trong khi làm việc cho Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh. Gia đình ông Tuấn lại thuộc diện khó khăn. Ông là lao động chính trong gia đình, nuôi người mẹ già đã 84 tuổi và 2 con nhỏ còn đang tuổi ăn học. Ông mất, người mẹ cũng trở nên đãng trí hơn, bà cứ gọi tên ông, nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm của ông khi có khách đến thăm. Đứa con lớn của chị Thúy, cháu Nguyễn Trung Thành mới vừa 12 tuổi, ngày ngày, ngoài giờ học, Thành luôn ở bên mẹ, động viên mẹ, giúp mẹ chăm đứa em nhỏ chưa được 3 tuổi. Trên đôi vai chị Thúy giờ đây là cuộc sống của người mẹ già và 2 đứa con, nên chị tự nhủ phải mạnh mẽ để đứng dậy. Ông Tuấn trước khi mất có thời gian đóng BHXH trên 15 năm, nên ông đã để lại 3 suất tuất hàng tháng (mỗi suất hơn 500 nghìn đồng/tháng) dành cho mẹ đến khi chết và 2 con đến khi trưởng thành. “Tiền trợ cấp tuất hàng tháng của mẹ thì để cho mẹ dưỡng già. Hai suất tuất của 2 con tôi dành dụm lại cho nó, để đến khi đủ 18 tuổi thì các con sẽ có một khoản để tiếp tục ăn học. Khoản tiền trợ cấp này thực sự cần thiết cho chúng tôi, giúp gia đình trong hoàn cảnh như hiện nay, âu đó cũng là niềm an ủi còn lại” - chị Thúy tâm sự.
Người lao động khi được đóng các khoản BHXH, BHYT thì được hưởng các quyền lợi theo quy định. Ảnh: THANH DŨNG |
Trong căn nhà cấp bốn ở thôn Cổ An 1 (xã Điện Nam Đông, Điện Bàn), bàn thờ của ông Nguyễn Văn Vũ nghi ngút khói hương. Trước nhà, ông Nguyễn Hơn (cha ông Vũ) ngồi đan sọt tre để bán, kiếm tiền nuôi cháu. Người con dâu của ông, chị Trần Thị Loan đang làm công nhân ở Công ty Giày Rieker Việt Nam. Ông Hơn kể, anh Vũ là công nhân nấu thép ở Công ty TNHH Thép Việt Pháp. Lò nấu thép bị nổ khi anh Vũ đang trực tiếp làm ca đêm. Tai nạn bất ngờ khiến gia đình ông suy sụp. Từ ngày chồng mất đến nay, chị Loan dù có đau ốm cũng không dám nghỉ phép, hễ công ty có tăng ca thì chị xung phong đi làm, chỉ mong có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Thương con dâu, nhưng vợ chồng ông Hơn không biết làm sao giúp con, bởi ông bà đều lớn tuổi. Ông Hơn nói: “Mỗi tháng, vợ chồng tui và 2 cháu nhận được 4 suất trợ cấp, mỗi suất được 575 nghìn đồng. Khoản tiền này vợ chồng tui chi tiêu rất tiết kiệm, phụ giúp thêm với con dâu lo cho các cháu ăn học. Con dâu làm lương tháng được chừng 3 triệu đồng, chắt chiu thì cũng để dành được ít mà lo cho mấy đứa nhỏ sau này”.
Khoản trợ cấp tuất hằng tháng dành cho người đã chết có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần là theo quy định tại Luật BHXH. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh, cho biết: “Đây thực sự là điểm tựa cho những người thân khi người chết là lao động chính trong gia đình, nhằm đảm bảo quyền lợi của thân nhân người lao động, góp phần ổn định cuộc sống của thân nhân người chết. Người hưởng là con thì được hưởng từ ngày người lao động chết đến đủ 15 tuổi, nếu còn đi học đến đủ 18 tuổi; hoặc là vợ - chồng, cha mẹ 2 bên mà người chết có trách nhiệm nuôi dưỡng ngoài tuổi lao động được hưởng đến khi chết. Nếu thân nhân còn tuổi lao động nhưng bị suy giảm khả năng lao động trên 81% cũng được hưởng tuất hàng tháng, tối đa không quá 4 suất tuất đối với 1 người chết”. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.722 định suất được cơ quan BHXH giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
HOÀNG LINH