Hôm qua (22.2), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang chủ trì cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.7.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số nhóm dự án lớn tại vùng tây. Các nhóm dự án trọng điểm sẽ đầu tư, hỗ trợ trong năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ là động lực xoay chuyển diện mạo kinh tế - xã hội ở miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang phát biểu tại cuộc họp.Ảnh: TRẦN HỮU |
Sắp xếp dân cư quy mô
Miền núi - mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án mang tầm quốc gia dành cho vùng tây của tỉnh song khu vực này vẫn là “vùng trũng” của phát triển. Giảm nghèo luôn là bài toán khó. Địa hình núi rừng hiểm trở, các bản làng chia cắt, thiếu tập trung; nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại tập tục du canh du cư; nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn hẹp... là những cản lực cho sự phát triển miền núi.
Sắp xếp dân cư miền núi - nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, phải quán triệt quan điểm tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương thực hiện tinh thần của Nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy, theo đó cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện. Từ nay đến năm 2020 nên xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, lồng ghép các chính sách của Trung ương cho phát triển nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Trong các nhóm dự án, năm 2017 phải tập trung ưu tiên hỗ trợ sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép, hạn chế hình thành các khu dân cư tập trung mới. Cùng với đó giải quyết đất sản xuất, việc làm; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân. |
Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT xác định rà soát, quy hoạch bố trí, sắp xếp các khu dân cư miền núi là nhiệm vụ cấp thiết trong điều kiện mật độ dân cư thưa và phân bố không tập trung như hiện nay (bình quân 53 người/km2). Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư đồng bộ, sắp xếp dân cư gắn liền với đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh; phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các thiết chế văn hóa. Năm 2017, theo đề xuất, 9 huyện miền núi trong tỉnh sẽ có nhu cầu sắp xếp dân cư cho 857 hộ. Trong đó, huyện Tây Giang với 275 hộ, Nam Trà My 155 hộ, Phước Sơn 111 hộ; huyện Tiên Phước ít nhất với 36 hộ cần sắp xếp. “Sắp xếp dân cư chỉ ưu tiên cho hình thức xen ghép, đối tượng chủ yếu sống ở vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, ổn định dân di cư tự do, khu rừng đặc dụng nhằm nâng cao đời sống cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường” - ông Đức cho biết. Về cơ chế, chính sách hỗ trợ di dân xen ghép, tạm áp dụng theo Quyết định 33/2013/QĐ-TTg ngày 4.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ di dân định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bố trí dân cư. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng mỗi hộ thực hiện di dân xen ghép, hỗ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép 50 triệu đồng/hộ.
Dự cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, trong các nhóm dự án triển khai cấp bách năm nay, ưu tiên triển khai sắp xếp dân cư, nhưng sắp xếp theo phong tục, tập quán phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao chứ không theo chủ quan như đã làm từ các dự án tái định cư thủy điện. Do vậy, trước mắt dành nguồn lực chọn địa bàn trọng điểm đầu tư, nơi nào làm thành công thì nhân rộng, làm bài học cho địa bàn khác làm theo. “Thực tế đời sống người dân rất khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua cũng chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử như huyện Tây Giang năm qua trong khi Nhà nước hỗ trợ 3,8 tỷ đồng tiền mua con giống, cây giống nhưng vẫn chẳng ra gì hết” - ông Phan Việt Cường nhận xét. Tiếp cận kế hoạch thực hiện các nhóm dự án phát triển kinh tế miền núi ở góc độ quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, “cái thần” Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy là gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tinh thần của nghị quyết là hỗ trợ, chính quyền các địa phương phải đứng ra làm để tạo làn sóng phát triển. “Trong các nhóm dự án triển khai, quan điểm vẫn ưu tiên cho nhóm sắp xếp dân cư nhưng phải gắn với sản xuất, phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Nếu thực hiện như cách làm cũ trước đây, đồng bào sẽ quay lại con đường du canh du cư. Cho nên, để người dân miền núi có sinh kế bền vững phải hỗ trợ nghề gắn liền với giải quyết việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi trong phát triển nông thôn mới” - ông Đinh Văn Thu nói.
Phát triển đồng bộ và lâu dài
Nhằm xác định hướng đi cho kinh tế rừng trong tương lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu, cây keo vẫn là cây trồng chủ lực ở miền núi. Vấn đề nằm ở chỗ ngành nông nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ giống cây để tăng năng suất, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích thâm canh. Năm 2017 sẽ xây dựng các khu rừng sản xuất, phòng hộ bằng các loại cây giống keo tai tượng Úc. Ngành nông nghiệp đưa chỉ tiêu phát triển mạnh diện tích cây giống keo tai tượng Úc cho 9 huyện miền núi với tổng diện tích 4.500ha (Bắc Trà My 800ha, Tiên Phước 900ha, Phước Sơn 500ha, Đông Giang 400ha, Nông Sơn 400ha, Nam giang 300ha, Tây Giang 200ha và Nam Trà My 100ha). Cùng với đó, hỗ trợ nhân dân chuyển từ rừng trồng bằng giống keo cho năng suất thấp sang giống keo Úc; hỗ trợ xây dựng 2 vườn ươm trung tâm ở Đông Giang và Bắc Trà My và mỗi huyện một vườn ươm vệ tinh. Còn ông Huỳnh Tấn Đức kiến nghị, năm 2017 nhiệm vụ tập trung là bảo vệ nguồn gen, sản xuất cây giống và trồng mới các loại cây dược liệu; phát triển sinh kế cho đồng bào miền núi qua việc trồng cây dược liệu. Đối với cây sâm Ngọc Linh, đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí tăng cường các biện pháp chăm sóc đối với cây sâm giống, nhân giống sâm tại 2 vườn sâm (Trung tâm Sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My và Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam).
Năm 2017 sẽ có cuộc sắp xếp dân cư quy mô lớn ở 9 huyện miền núi. TRONG ẢNH: Một gia đình hộ nghèo ở thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My) cần được sắp xếp, di dời để ổn định đời sống. |
Bàn về kế sách phát triển miền núi lâu dài, ông Trần Xuân Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng tây không nên làm thay cho các huyện miền núi mà cùng với các sở ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ cho họ, phân cấp mạnh về cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án. Nhiệm vụ xuyên suốt là hỗ trợ để người dân có đất sản xuất nhưng phải lưu tâm đầu tư hệ thống y tế, trường học đồng bộ. Ổn định sinh kế bền vững cũng cần xem xét trồng các loại cây bản địa cho giá trị cao như quế, sâm Ngọc Linh, phát triển nông nghiệp sạch ở vùng thấp. Nói chung các chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm nghèo nên tính đến tác động đa chiều, lâu dài.
Nhiều ý kiến đề xuất, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy, phải sử dụng lồng ghép nhiều nguồn vốn cho miền núi và nên giao về cho cộng đồng dân cư thực hiện, giám sát. Về định hướng phát triển chăn nuôi, trên cơ sở đã có quy hoạch, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng đầu tư khu chăn nuôi tập trung và gắn chuyển đổi mô hình, hỗ trợ nhân dân phát triển chăn nuôi bò có năng suất, chất lượng cao. Trước mắt, dự kiến hình thành vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung rộng 50ha tại xã Thăng Phước (Hiệp Đức); hỗ trợ 2 điểm chăn nuôi tại Bắc Trà My và Đông Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Miền núi rất cần phát triển toàn diện và đồng bộ. Ngoài lo sinh kế, còn phải phát triển du lịch ở những nơi có thế mạnh để tạo lan tỏa. Đối với đường giao thông chỉ đầu tư đến các khu vực đã sắp xếp, bố trí dân cư, giao thông đến vùng sản xuất”.
TRẦN HỮU