Xoay xở ứng phó thiên tai

TRẦN HỮU 08/10/2018 02:37

Nhiều địa phương hiện vẫn khó xoay xở trong các phương án phòng chống thiên tai do bản đồ vùng thiên tai, kịch bản ứng phó với thảm họa khẩn cấp vẫn chưa được định vị rõ ràng.

Tin liên quan

  • Ứng phó biến đổi khí hậu: Đa dạng nguồn lực
  • Chủ động ứng phó thiên tai
  • Xây dựng cụ thể phương án ứng phó thiên tai
  • Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Bổ sung phương án ứng phó thiên tai
  • Chủ động ứng phó với thiên tai
  • Các nhà máy thủy điện ứng phó với mưa lũ: Kịch bản trong tình huống xấu nhất
  • Nhiều kết quả trong ứng phó biến đổi khí hậu
  • Chủ động ứng phó thiên tai
Đập Trà Cân (Đại Lộc) đã có phương án bảo vệ đập và xây dựng kịch bản phòng chống lụt bão năm 2018.Ảnh: TRẦN HỮU
Đập Trà Cân (Đại Lộc) đã có phương án bảo vệ đập và xây dựng kịch bản phòng chống lụt bão năm 2018.Ảnh: TRẦN HỮU

Hiểm họa rình rập

Cuối tuần qua, UBND tỉnh có cuộc làm việc với các ngành, địa phương và chủ nhà máy thủy điện, thủy lợi, bàn về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, phối hợp trong quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm 2018.

Theo nhận định được đưa ra tại cuộc họp, các loại hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là động đất và lũ quét gây sạt lở đất. Tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, động đất với tần suất dày, khiến người dân không khỏi hoang mang. Việc người dân tiếp nhận thông tin ra sao, cơ quan nào sẽ truyền tin sớm nhất trong tình huống khẩn cấp luôn là mối lo. Khi xảy ra động đất, Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ báo cáo cho chính quyền địa phương, nhưng cũng chưa thể thông tin lập tức về các thông số, diễn biến động đất. Kết quả và kết luận về động đất, cơ quan này phải chờ Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, chứ công ty không thể tự ý thông báo cụ thể số liệu. Vì sao có chuyện trên? Theo lãnh đạo nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2, chức năng, nhiệm vụ phân tích, đánh giá về động đất Chính phủ giao cho Viện Vật lý địa cầu Việt Nam. Trong khi đó,  theo Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, cảnh báo kể cả dự báo về động đất, sóng thần là công việc cực kỳ phức tạp. Động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua chủ yếu là động đất kích thích, với mức độ, cường độ trong ngưỡng kiểm soát.

Kiểm tra hệ thống vận hành máy móc tại một đập của nhà máy thủy điện Sông Bung 4.
Kiểm tra hệ thống vận hành máy móc tại một đập của nhà máy thủy điện Sông Bung 4.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa duyệt phương án phòng chống lụt bão. Đơn cử, huyện Đại Lộc có hồ chứa nước Khe Tân hiện vẫn chưa có phương án này. Theo địa phương, khả năng thoát lũ vào mùa mưa từ khi xây dựng đường cao tốc là rất chậm. Vì vậy, tỉnh phải sớm có bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu. Theo UBND huyện Phước Sơn, địa phương đã nghiệm thu 300 ngôi nhà cho người dân với kinh phí hỗ trợ 16 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về sắp xếp dân cư miền núi), nhưng tình trạng sạt lở hồi cuối năm ngoái tại các xã Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Kim… đến nay vẫn chưa khắc phục xong. “Tác nhân kép” gây ra hiện tượng sạt lở tại đây là ngoài mưa lớn kéo dài, còn do người dân sử dụng máy ủi khai thác keo, làm cho đồi núi lở cục bộ.

Phòng chống theo cấp độ rủi ro

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã lập được 6 trạm cảnh báo lũ từ xa, 341 mốc thủy chí báo ngập trên địa bàn 66 xã thuộc 9 huyện vùng hạ du; lắp đặt 282 biển chỉ dẫn để cảnh báo, hướng dẫn cho nhân dân về vị trí cần sơ tán đến nơi an toàn. Các nhà máy thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Kôn 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Đại Lộc truyền thông phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho tổ trưởng tổ đoàn kết của 260 thôn. Lập trang Facebook “Quảng Nam - thông tin phòng chống thiên tai”; thực hiện các dự án nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chủ đập thủy điện xây dựng 27 trạm loa thông tin, cảnh báo công tác vận hành, điều tiết hồ cho nhân dân vùng hạ du biết. UBND tỉnh đang kiểm tra, xem xét phương án hồ thủy điện vận hành theo quy trình Quyết định 1537 và không thuộc quy trình này của 12 nhà máy thủy điện Đắc Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Tranh 3, Đắc Mi 3, Sông Kôn 2, Đăk Sa, Khe Diên, An Điềm, Đăk Pring, Za Hung, An Điềm 2 và Sông Bung 6. Ngoài ra, các địa phương còn rà soát, đề xuất các dự án di dời dân khẩn cấp...

Đến nay cơ quan chức năng đã lập, phê duyệt và thực hiện phương án ứng phó thiên tai theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai. Các đơn vị quản lý thủy điện thường xuyên kiểm tra, duy trì thông suốt hệ thống camera giám sát vận hành hồ. Về chuẩn bị ứng phó thiên tai mùa mưa lũ năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương khẩn trương rà soát và cảnh báo các khu vực tập trung đông dân cư nhiều người đi lại ở những vị trí nguy hiểm, có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở. Bên cạnh đó, phải cập nhật lại kế hoạch phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; kiểm tra rà soát lại hành lang thoát lũ, đồng thời chấn chỉnh việc người dân vào khai thác keo ở trong các phạm vi quản lý an toàn của hồ đập; kiểm tra lại các trang thiết bị phục vụ cho công tác trực ban phòng chống thiên tai.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xoay xở ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO