Cách quốc lộ 1 chừng 2 cây số nhưng xóm Gò (thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, Quế Sơn) trở thành một ốc đảo do sự thay đổi dòng chảy của sông Ly Ly. Nhiều người dân ở đây phải chịu cảnh lụy đò.
Thực ra trước đây người dân đã chung tay xây dựng cầu tre nhưng năm nào lũ cũng cuốn trôi. Gần đây, nhờ sự tài trợ của một nhà hảo tâm, một chiếc cầu phao lát ván đã được xây dựng. Nhưng do lượng lưu thông lớn (đây là tuyến đường liên xã nối các xã vùng đông Duy Xuyên, Quế Sơn và Thăng Bình) nên cầu đã xuống cấp. Mặt khác, vào mùa mưa, lũ trên thượng nguồn đổ về quá mạnh, cây cầu trở thành vô tác dụng. Vậy là hàng trăm hộ dân hai bên bờ sông Lò Vôi (hình thành do nhánh sông Ly Ly đổi dòng) và hàng ngàn người dân ở các địa phương khác phải đi lại bằng đò ngang. Ông Trương Văn Thiện - Trưởng thôn Trà Đình 2 cho biết: “Cả thôn có 230 hộ dân thì có đến 100 hộ thuộc diện bị chia cắt phải đi lại bằng đò. Vừa rồi nhà văn hóa kết hợp với tránh lũ được xây dựng kiên cố, vững chắc, nhưng để đến được đó phải vượt sông, rất nguy hiểm! Tôi lo nhất là việc đi lại học hành của học sinh. Tai nạn lúc nào cũng đang rình rập, nhưng địa phương không có cách nào giải quyết”.
Ngoài việc ngăn sông cách đò, người dân ở đây phải chịu cảnh sạt lở bờ sông do tình trạng khai thác cát quá mức gây nên. Hàng trăm mét đất dọc sông Lò Vôi đã bị dòng sông nuốt chửng, hàng chục hộ dân phải di dời vào sâu trong xóm để tránh hiểm họa “bà thủy”. Chị Yến sinh sống dọc bờ sông Lò Vôi gần hai chục năm nay, cho biết: “Trước đây nhà tôi cách bờ sông cả mấy chục mét, bây giờ chỉ còn mấy sải tay nửa là nước sông vào đến nhà. Tôi phải sắm ghe lớn để phòng bất trắc. Năm nào tới mùa lũ nước cũng lên đến nửa nhà, tôi phải dùng ghe chở heo gà vô xóm quá cực khổ”. Tình trạng khai thác cát ồ ạt đã xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Hệ lụy xảy ra là làm cạn kiệt tài nguyên, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên và ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, nhất là gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở nhiều tuyến sông như hiện nay.
TẤN ĐƯỜNG