Trận tập kích nhà lao Xóm Mới cách đây 47 năm đã làm chấn động dư luận, lặp lại điều kỳ diệu giải phóng cả nghìn tù nhân kể từ cuộc giải phóng tương tự xảy ra ở nhà lao Thông Đăng nằm sâu trong nội thị Hội An trước đó…
.Nhiệm vụ bức thiết
Nhà lao Xóm Mới nằm về phía bắc thành phố Hội An, cấu trúc gồm 2 dãy nhà giam, mỗi dãy 8 phòng; phía trước là nhà làm việc của ban giám thị cùng bọn cai ngục, lính gác. Các phòng giam đều chỉ có lỗ thông hơi, không hề có cửa sổ. Các cửa ra vào bên ngoài làm bằng sắt dày, bên trong có chấn song rất chắc chắn. Đặc biệt, ở bốn góc mỗi dãy lao đều có chôn mìn, nếu bị tấn công thì tên giám ngục chỉ cần ấn nút là diệt sạch tù nhân. Đã thế, bên ngoài nhà lao còn được bảo vệ bằng 5 lớp hàng rào kẽm gai, trong mỗi lớp rào còn trồng thêm gai lưỡi long lởm chởm và cài đủ các loại mìn…
Các nhân chứng (ảnh trái) và hiện trạng nhà lao Xóm Mới. |
Chiến tranh bùng phát ác liệt, địch càng tăng cường, bắt bớ đồng bào, cán bộ chiến sĩ của ta. Nhà lao Xóm Mới lúc này giam giữ trên 1.200 tù nhân cách mạng. Trong khi phong trào cách mạng đang cần bổ sung nhân lực thì trong lao xá Hội An, tù nhân cách mạng hàng ngày phải chịu đọa đày đau khổ bởi những đòn tra tấn tàn bạo của bọn cai ngục. Vì vậy, tập kích nhà lao Xóm Mới trở thành nhiệm vụ bức thiết. Một kế hoạch phối hợp hành động đã được thống nhất giữa Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 và lãnh đạo của Thị ủy Hội An. Tiểu đoàn 2 thành lập năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam. Trong chiến dịch Đông Xuân 1966-1967, đơn vị được điều về hoạt động vùng đông Duy Xuyên và Hội An. Tại đây, tiểu đoàn đã nhiều lần giáng cho quân Mỹ nhiều đòn đau. Đêm 5.3.1967, một đơn vị của tiểu đoàn phối hợp với đại đội 2 Thị đội Hội An và cơ sở nội tuyến đã tiến công san bằng quận lỵ Hiếu Nhơn. Sau đó, tiểu đoàn lại đánh vào nội thị, tiêu diệt tiểu đoàn công binh ngụy; bắt sống tên tiểu đoàn trưởng, giáo dục rồi phóng thích.
Về kế hoạch tập kích lao xá Hội An, ông Nguyễn Văn Thành - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, người vừa được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kể: “Để cuộc tập kích lao Xóm Mới thắng lợi, cái khó nhất là làm thế nào để vô hiệu hóa được các khối thuốc nổ địch chôn dưới các dãy nhà lao. Điều này chỉ có cơ sở nội tuyến trong nhà lao mới làm được. Rất may là Hội An làm công tác binh vận rất tốt, xây dựng được mạng lưới cơ sở trong hàng ngũ địch. Đích thân tôi đã cải trang vào nội thị Hội An, ở nhà anh Cho - nội tuyến trong nhà lao - 3 ngày để bàn cách thực hiện. Đến khi anh ấy báo cáo ra là đã cắt được đường dây điện, tôi mới thở phào. Trận này chúng tôi chuẩn bị công phu lắm, vừa đánh cải trang, vừa đánh đặc công, vừa cường tập”.
Để chuẩn bị cho cuộc tập kích, cả một bộ máy chiến tranh nhân dân rộng lớn trên đất Hội An được huy động vào cuộc, hoạt động rất khẩn trương nhưng cũng rất bí mật, âm thầm. Nhân dân vùng giải phóng Cẩm Thanh được lệnh chuẩn bị ghe thuyền, đan trục trịch (mành tre) để sẵn.
Phối hợp tài tình
Đêm 14.7.1967, cuộc tập kích nhà lao Xóm Mới được khởi sự. Từ Trường Lệ, một trung đội của Tiểu đoàn 2 đóng giả làm lính Trung đoàn 51 (trung đoàn chủ lực của ngụy đóng bản doanh tại thị xã Hội An) tiến về hướng nhà lao. Gần đến nhà lao thì chạm bọn cảnh sát, chúng hỏi: “Các anh thuộc đơn vị nào, có việc gì mà đi hướng này?”. Đồng chí Ngọc (người xã Hòa Hải, Hòa Vang) chỉ huy “trung đội lính” cự lại: “Tụi tau lính gì chúng mày không thấy quân hiệu trên cầu vai à? Khai đi đâu để chúng mày báo cho cộng sản hả?”. Bị dằn mặt, bọn cảnh sát không dám ho he gì thêm. Đến gần cổng nhà lao, trung đội cải trang lập tức nổ súng, tiêu diệt toán lính gác cổng. Các khẩu đại liên trên 2 vọng gác của địch nhả đạn nhưng nhanh chóng bị ta dùng M72 bắn cho tịt ngòi.
Nhà lao Xóm Mới đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và hiện đang được trùng tu, tôn tạo để trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. |
Trong khi trung đội cải trang đột kích chiếm gọn cửa vào nhà lao thì từ mặt sau, các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 2 và bộ đội thị xã Hội An cũng nổ súng. Ta dùng bộc phá, mìn định hướng quét sạch các lớp rào kẽm gai, gai lưỡi long, kích nổ các loại mìn địch cài dưới đất dọn đường cho bộ đội xông vào. Mũi chính diện đánh vào khu vục bọn giám thị nhà lao, mũi 2 và 3 đánh vào bọn lính bảo vệ, tiêu diệt các lô cốt. Quá bất ngờ vì đòn phối hợp nhịp nhàng của ta, bọn cai ngục và lính gác không kịp trở tay, bị tiêu diệt gọn. Trong lúc ấy, các đơn vị vũ trang của Hội An đồng loạt tiến công quấy rối nhiều vị trí địch trong thị xã; pháo kích vào dinh tỉnh trưởng ngụy, vào quận lỵ Hiếu Nhơn. Tiếng súng lớn súng nhỏ vang dội khắp nơi làm cho địch không biết đâu là mục tiêu chính, vì thế chúng phản ứng rất yếu ớt.
Trong khi trận đánh ở nhà lao bắt đầu khai hỏa thì ở vùng giải phóng Cẩm Thanh, lãnh đạo thị ủy và xã Cẩm Thanh huy động nhân dân đưa ghe và các tấm mành tre tới Cồn Chài. Những chiếc ghe câu nhanh chóng được xếp thành hàng ngang, và được nẹp lại bằng tre cây, liên kết với nhau rất chắc chắn, rải trục trịch lên. Chỉ trong thời gian ngắn, một chiếc cầu phao đã làm xong. Một số ghe khác cũng được điều đến sẵn sàng chờ lệnh.
Trở lại trận đánh ở nhà lao. Anh Thái Viết Thôi (quê xã Điện Tiến - Điện Bàn, du kích xã bị địch bắt giam tại Hội An) kể: “Tối hôm ấy, nghe tiếng súng rền vang bên ngoài, chúng tôi biết ngay là quân ta tập kích, ai cũng khấp khởi hy vọng. Một lát sau thì tiếng loa vang lên: “Các đồng chí, chúng tôi tiến công nhà lao để giải phóng cho các đồng chí đây. Mọi người hãy lùi về cuối phòng giam và nằm xuống, chúng tôi sẽ đánh thuốc nổ phá cửa”. Chúng tôi lập tức y lệnh. Rồi một tiếng nổ ầm vang, cánh cửa sắt mở tung. Các phòng giam khác cũng được phá như vậy, tù nhân ùa ra như ong vỡ tổ. Tôi chạy ra hô to: “Cho tôi súng để tôi chiến đấu”, nhưng một người chỉ huy ra lệnh: “Không cần đến các đồng chí, mọi người hãy theo chỉ dẫn chạy về vùng giải phóng ngay!”.
Thoát ra khỏi nhà lao, tù nhân được chỉ dẫn chạy ra hướng Trường Lệ rồi chia làm 2 cánh, một chạy ra vùng giải phóng Điện Dương, một chạy về vùng giải phóng Cẩm Thanh. Cuộc giải thoát được anh Thôi tái hiện tiếp: “Tù nhân người mạnh dìu người yếu nối nhau chạy. Chỉ có những người bị địch cùm lâu ngày, chân tê liệt không đi được thì đành rớt lại, một số sau đó chạy không nổi nữa, ẩn núp trên cánh đồng đến sáng hôm sau bị địch bắt lại. Trên cánh đồng từ Trường Lệ chạy về hướng Cẩm Thanh, tôi thấy những bẹ chuối trắng được rải lật ngửa sẵn để làm lộ tiêu. Chúng tôi cứ thế chạy theo mà không sợ lạc, sau đó các lộ tiêu ấy được bộ phận đi sau thu dọn để xóa dấu vết. Chạy về tới Cồn Chài thuộc phường Cẩm Châu bây giờ, tôi thấy cầu phao qua sông đã được bắc sẵn. Chúng tôi từng người một chạy qua cầu phao, ai khỏe thì bơi. Bên kia đầu cầu đã để sẵn những rổ khoai, gồm cả khoai lang và sắn, mỗi người bốc một củ vừa chạy vừa ăn lót dạ. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi vô cùng cảm động về sự chu đáo của người dân Cẩm Thanh và hết sức khâm phục tài tổ chức của cách mạng. Sao mà tài giỏi và nhịp nhàng đến thế!”.
Rõ ràng, để giải thoát thành công hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ ra khỏi nhà lao Xóm Mới, đã có một cỗ máy lớn được huy động, điều khiển một cách rập ràng bởi một bàn tay chỉ huy tài tình. Về tới vùng giải phóng, những người tù cách mạng không nén được xúc động, vui sướng. Ai cũng bảo cách mạng đã sinh họ ra một lần nữa…
DUY HIỂN