Ngay sau khi cơn bão đi qua, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh đã được các ngành, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sau bão, công nhân tích cực dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: X.HIỀN |
Làm sạch phố phường
Ngày 15.10, sau khi cơn bão số 11 vừa dứt, khắp nơi vẫn còn cảnh ngổn ngang, cây cối ngả rạp mặt đường. Gió qua nhưng trời vẫn còn mưa không ngớt, trên các tuyến phố của Tam Kỳ đã thấy hình ảnh công nhân môi trường ra quân dọn dẹp vệ sinh. Một chị là công nhân của Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam chia sẻ, phải bắt đầu dọn dẹp ngay sau khi dứt gió mới kịp, chứ không để dồn lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều công nhân còn mệt nhoài sau một đêm thức trắng với cơn bão vẫn rất nhiệt tình với công việc của mình. Làm việc không tính thời gian với cường độ cao và khối lượng công việc khổng lồ, những công nhân này chỉ mong sao dọn sạch phố phường sau một ngày đêm bị bão quần. Mặc dù có rất nhiều nhân công có gia đình cũng bị thiệt hại trong bão, nhưng họ vẫn dồn sức cho công việc của mình. Còn tại Hội An, sáng 16.10 mực nước lũ vẫn còn ở báo động II và bắt đầu xuống chậm. UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty Công trình công cộng huy động hàng chục phương tiện cơ giới và tất cả lực lượng công nhân khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, nước rút đến đâu làm sạch ngay đến đó. Tham gia vệ sinh đường phố còn có hàng nghìn người dân quét rác, dọn bùn non để sớm trả lại môi trường trong sạch cho phố cổ.
Ông Đoàn Kim Thịnh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão của Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay: “Ngay sau khi bão dứt, đơn vị đã cho ra quân 16 xe đặc dụng và 160 công nhân thu gom rác thải. Ngày 16.10, đơn vị tiếp tục cho 11 xe và công nhân đi đốn sửa cây cối, nạo vét cống rãnh”. Ông Thịnh còn thông tin thêm, hiện nay ở tất cả các địa phương trong tỉnh, cán bộ công nhân viên vệ sinh môi trường đang làm việc không có thời gian ngơi nghỉ, tập trung dọn dẹp vệ sinh cả ngày lẫn đêm để đảm bảo môi trường phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra cơ số thuốc, hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh sau bão lũ. Ảnh: Đ.ĐẠO |
Phòng ngừa dịch bệnh
Để thực hiện tốt việc phòng chống một số bệnh lý dễ xảy ra do ngập lụt, bác sĩ Trần Văn Hoàn khuyến cáo: “Các cơ sở y tế tại địa phương cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường ở các vùng ngập lụt, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh, phun hóa chất thau rửa nguồn nước tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền nhân dân thu gom rác, xác động vật chết để đảm bảo vệ sinh môi trường. Với nhân dân khi phát hiện các bệnh lý như tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết… cần báo ngay với các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị, không nên điều trị tại nhà. Sau bão lũ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là đáng lo ngại nhất. Người dân cần ý thức sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo ăn chín uống sôi cũng như giữ gìn tốt môi trường sống để tránh dịch bệnh”. |
Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Rút kinh nghiệm nhiều năm, trước mùa mưa bão chúng tôi đã tổ chức họp với các huyện, thành phố kiểm tra tình hình dự trữ thuốc men, hóa chất khử khuẩn nước... Tại mỗi xã đều dự trữ số lượng thuốc, hóa chất đảm bảo ứng phó xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; trung bình mỗi Trạm Y tế xã có khả năng xử lý 100 giếng nước đảm bảo hợp vệ sinh. Đồng thời, thuốc cloramin T loại viên khử khuẩn nước uống cũng đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhân dân ở các vùng ngập lụt”. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh luôn có bộ phận thường trực theo dõi tình hình từ các địa phương để kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm dập dịch ngay từ đầu. Bác sĩ Hoàn còn cho biết, từ ngày 16.10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử các đoàn cán bộ của trung tâm về các huyện, thành phố nắm tình hình dịch bệnh, hỗ trợ cơ số thuốc, hóa chất nhằm đáp ứng khả năng phòng - chống dịch bệnh. Trung tâm cũng đã lên kế hoạch xin Sở Y tế hỗ trợ, bổ sung thuốc, hóa chất đề phòng khi có dịch bệnh bùng phát mạnh.
Ở các địa phương, công tác ứng phó với dịch bệnh cũng đang tích cực được thực hiện. Bác sĩ Phạm Ngọc Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế Đại Lộc cho biết: “Trên địa bàn Đại Lộc có tổng số 5.116 nhà, 4.367 hố xí, 1.003 giếng đào, 11 chợ bị ngập lụt nên chúng tôi tiên lượng có khả năng xảy ra một số dịch bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, nước ăn chân, sốt xuất huyết. Đến hết ngày 16.10, Trung tâm Y tế huyện đã cấp cho tuyến xã, thị trấn 100kg cloramin bột và 15.000 viên cloramin T để xử lý nước sinh hoạt cho nhân dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân phát bổ sung số thuốc, hóa chất cho các xã, thị trấn, đặc biệt là 2 xã Đại Lãnh và Đại Hưng đang bị ngập nặng để phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường và nguồn nước”. Trong khi đó, tại Núi Thành, bác sĩ Nguyễn Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, trung tâm đã kịp thời phân phối về 17 trạm y tế xã, thị trấn 48kg cloramin bột, 15.800 viên cloramin T để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện còn thành lập 2 đội cơ động với nhiệm vụ triển khai xử lý môi trường sau bão lũ, nắm tình hình và dập dịch kịp thời.
X.HIỀN - A.TRÂM - Đ.ĐẠO
|