Xử lý vi phạm hạ tầng đường thủy

SÁU CÒI 12/06/2019 15:13

Cần mạnh tay xử lý vi phạm quy định về bảo vệ công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản đang diễn ra tràn lan.

Đoạn Quản lý ĐTNĐ (Sở GTVT) từng phản ánh, người dân lấn chiếm luồng tuyến trên sông Cổ Cò để nuôi trồng thủy sản, kể cả làm nhà hàng trên lồng bè diễn ra bức xúc. Cạnh đó, nhiều trường hợp bất chấp quy định cứ đặt rớ quay lung tung. Ở phía nam, việc thi công cầu Tam Tiến (nối địa phận xã Tam Tiến và xã Tam Hòa của huyện Núi Thành), thuộc dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đến cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai cũng đang gặp khó bởi tình trạng người dân cắm thêm rớ quay, rớ đáy… Chủ đầu tư dự án cho biết, UBND huyện Núi Thành đã có văn bản số 525/UBND-VP ngày 15.5.2019 giao UBND xã Tam Hòa có văn bản thông báo cho các hộ có cắm thêm rớ quay, rớ đáy trên sông, vi phạm luồng chạy tàu của sông khẩn trương tháo dỡ dụng cụ đánh bắt thủy sản để đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại và vận chuyển vật liệu phục vụ thi công dự án, không được cản trở thi công.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ không khó bắt gặp. Chẳng hạn, đổ rác hoặc rơm, rạ xuống ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; buộc động vật vào bảng báo hiệu ĐTNĐ, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng. Hành vi vừa nêu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng. Nếu vi phạm một trong các hành vi trồng cây, để đồ vật, dựng lều quán hoặc làm hạn chế tác dụng của báo hiệu ĐTNĐ, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển phương tiện; buộc phương tiện vào báo hiệu, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng thì bị phạt tiền 200 - 300 nghìn đồng. Để đồ vật, tre, gỗ trôi tự do trong phạm vi luồng cũng bị phạt 300 - 500 nghìn đồng. Xây dựng công trình trong phạm vi luồng khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cố ý tạo vật chướng ngại trên luồng gây cản trở giao thông bị phạt rất nặng, từ 65 - 75 triệu đồng.

Pháp luật cũng quy định xử phạt đối với vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ khi khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản. Theo đó, đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động mà gây cản trở giao thông thì bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Phạt tiền 1 - 3 triệu đồng đối với việc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý ĐTNĐ. Không dỡ bỏ dụng cụ, không di dời phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản ngay sau khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng; không dỡ bỏ, di chuyển, thu hẹp dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản theo thông báo của đơn vị quản lý ĐTNĐ thì bị phạt 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý vi phạm hạ tầng đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO