Xứ sở dó trầm

Phương Giang 05/04/2013 08:53

Sau một thời gian dài thử nghiệm, đến nay phương pháp tạo trầm từ cây dó đã đưa thương hiệu dó trầm Tiên Phước vươn xa.

Ông Trương Công Lương khoan tạo trầm trên cây dó.Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Ông Trương Công Lương khoan tạo trầm trên cây dó.Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Hết “ngậm ngải tìm trầm”

Cơ sở trầm hương Lương Hậu của ông Trương Công Lương (thôn Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ) là một trong những cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây dó trầm lớn nhất trên địa bàn Tiên Phước. Hơn 10 năm gắn bó với cây dó trầm, ông là một trong những người đi tiên phong trong việc tạo trầm từ cây dó. Ông Lương cho biết, trước đây người dân phải lặn lội trong rừng sâu, đến nhiều cánh rừng ở tận Khánh Hòa, Phú Yên, ngược ra Quảng Bình để tìm trầm. Đầu những năm 2000, phương pháp tạo trầm nhân tạo cũng chỉ mới hình thành bằng cách đóng những chiếc đinh sắt kích thước lớn vào thân cây dó, nhưng hiệu quả không cao. Từ nguồn vốn tích cóp được, năm 2004, ông Lương mạnh dạn mua 105 cây dó đã trưởng thành trong vườn các hộ dân ở thị trấn và khu vực lân cận. Sau đó ông lại cất công đến từng vườn thử nghiệm phương pháp khoan tạo trầm bằng hóa chất trên những cây dó đã mua. Do chưa có kinh nghiệm, hóa chất do ông pha chế chưa đạt yêu cầu; trong số 105 cây dó, có đến 95 cây chết. Song, thành công từ 10 cây còn lại không chỉ đủ chi phí bù lỗ cho 95 cây chết, mà còn đem lại một khoản lợi nhuận nho nhỏ. Nhìn thấy được hiệu quả của việc tạo dó trầm, ông Lương tiếp tục mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ nhiều khâu như cách khoan tạo lỗ, tỷ lệ, nồng độ hóa chất phù hợp với độ tuổi của từng cây dó.

Phương pháp tạo trầm nhân tạo từ cây dó, theo ông Lương, là xác định độ tuổi của cây, thường từ 7 năm tuổi trở lên, sau đó tiến hành khoan lỗ, rồi tùy vào vị trí gốc hay ngọn mà pha hóa chất vào thân cây theo các lỗ khoan để gây vết thương. Sau đó, cây dó sẽ phản ứng tạo kháng thể bao quanh vết thương, những kháng thể đó chính là trầm. Độ tuổi của cây dó, vị trí bơm hóa chất, nồng độ hóa chất là những yếu tố quyết định đến khả năng tạo trầm mà không làm cho cây chết. Với cách làm đó, một cây dó trầm có đường kính từ 30cm, sau khoảng 18 - 30 tháng có thể thu hoạch được trầm.

Năm 2010, ông Lương có nguồn thu nhập khá lớn từ việc sản xuất trầm bằng phương pháp nhân tạo. Hiện tại, ngoài số cây dó được ông Lương mua và tạo trầm ngay trong vườn nhà các hộ dân trên địa bàn huyện, ông Lương còn gầy dựng được hơn 5 nghìn cây dó trầm con trên diện tích hơn 2ha. Thấy hiệu quả, nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua hóa chất về tạo trầm trên cây dó. Đến nay, trên địa bàn thị trấn Tiên Kỳ đã có khoảng 30 cơ sở chuyên tạo trầm, sản xuất các mặt hàng trầm hương từ cây dó.

Đưa thương hiệu vươn xa

Từ những thành công của việc tạo trầm từ cây dó, ông Lương bắt đầu được nhiều chủ vườn dó trên cả nước mời đến tạo trầm, nhất là ở Hương Khê (Hà Tĩnh), Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… Phương pháp tạo trầm bằng hóa chất cũng được nhiều chủ cơ sở trên địa bàn thị trấn Tiên Kỳ ứng dụng, mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ chỗ thử nghiệm, nhiều cơ sở trầm hương ở Tiên Phước bắt đầu vươn xa sang địa bàn nhiều tỉnh, thành cả nước, vừa xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định, vừa quảng bá thương hiệu trầm hương Tiên Phước. Gần đây, các cơ sở ở Tiên Phước đã mang sản phẩm trầm hương của mình đến với các thị trường tiêu thụ lớn như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… Ông Trương Công Lương cho hay, để đưa thương hiệu trầm hương địa phương phát triển, cũng là cách để mở rộng thị trường, mở rộng nguồn nguyên liệu, gần 30 cơ sở trầm hương tại thị trấn Tiên Kỳ đã liên kết, tham gia vào đề án thành lập “Hội Trầm hương mỹ nghệ Tiên Phước”.

“Tham gia vào hội, các cơ sở trầm hương sẽ có điều kiện hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, cùng quảng bá thương hiệu trầm hương Tiên Phước ra nhiều thị trường lớn trong nước và quốc tế. Đây là một trong những bước đi chiến lược để nghề làm trầm nhân tạo từ cây dó và sản xuất các mặt hàng từ trầm hương phát triển hơn nữa trong tương lai” - ông Lương chia sẻ. Ông Dương Văn Thủ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tiên Phước nói: “Trong tương lai, với việc liên kết của các cơ sở, thương hiệu trầm hương và các mặt hàng từ cây dó trầm được kỳ vọng trở thành một thế mạnh kinh tế của địa phương”.

Phương Giang

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xứ sở dó trầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO