Đã có một thời gian môn lịch sử không được chú ý, cho đến khi sự nguội lạnh của giới trẻ được mổ xẻ ở nhiều diễn đàn, và kể từ đó mọi động tĩnh liên quan đều rất dễ đẩy vấn đề đi xa hơn bản chất sự việc. Ấy là bởi chúng ta chạm vào một lĩnh vực tưởng “nguội lạnh” nhưng lại rất “nóng”.
Từ hàng nghìn điểm 0 (không) môn sử của kỳ tuyển sinh đại học vài năm trước, cho đến clip học sinh một trường THPT ở TP.Hồ Chí Minh xé đề cương môn sử vừa diễn ra, thảy đều gây ra nhiều luồng ý kiến khen chê bình phẩm. Nguội ở cách thể hiện, cách dạy và học; còn nóng ở sự quan tâm. Đến nỗi, nhân vụ việc “xé đề cương” với nhiều phản ánh khác nhau về bản chất, đã có vị tiến sĩ kêu gọi “Trả lịch sử về đúng chức năng của nó” và bình luận: Một xã hội mà người ta ngay từ trẻ không thích học thì rất nguy hiểm.
Thực ra, để có những trang sử mà hậu thế quan tâm như bây giờ, đã có những nhà sử học dày công chép ra và gói trong đó rất nhiều tâm huyết. Như bài tựa cho cuốn “Đại Việt sử ký tục biên” (chép trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”, NXB VH-TT ấn hành năm 2009) ghi rõ: “Vì sao mà làm quốc sử? Vì chủ yếu của sử là ghi chép công việc, có chính trị của một đời, tất phải có sử của đời ấy. Mà sự ghi chép của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc trí trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước; người ác biết có thể tự răn (…)”. Ngay như sử gia Ngô Sĩ Liên, năm 1479 khi đề tựa cho cuốn “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư” cũng đề cao sử: “Sử để ghi chép việc, mà việc hay hay dở dùng làm gương răn cho đời sau”.
Càng gần đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch, càng nghe nhắc nhiều đến nguồn cội, mà nguồn cội cũng chính là sử, phải am hiểu mới biết “việc hay hay dở”. Dịp Giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng năm ngoái, chúng tôi từng hân hoan khi biết tin nhiều đoàn ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng dự lễ để góp phần quảng bá cho hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, từ đó đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng năm nay thì ngược lại. Báo chí vừa phát hiện có tảng đá với hình vẽ, chữ viết “lạ” đặt ở đền Thượng suốt 4 năm qua, gây lo ngại xâm hại yếu tố gốc của di tích. Trong nay mai, những chi tiết mới nảy sinh này sẽ được ngành chức năng sớm “giải mã”, nhưng dù kết quả thế nào đi nữa thì đền Hùng - điểm đến linh thiêng của dịp Quốc giỗ năm nay - đã khiến dư luận băn khoăn lo lắng. Mà nhắc chuyện giỗ tổ, dù với hoàn cảnh nào, cũng là đang kể câu chuyện về lát cắt lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Xử (từ Hán Việt) có nghĩa là “phân biệt sự lý cho được phải chăng”. Với lịch sử, xem ra cũng cần “xử”, tức phân biệt sự lý cho được phải chăng. Thử ngẫm xem, nếu có ứng xử nào không phù hợp với sử (và cả môn lịch sử - như một cách tiếp cận sử) sẽ hứng chịu hàng loạt chỉ trích, thì nên vui hay buồn? Vui, vì vẫn còn nhiều người trăn trở với sử; nhưng buồn cũng không ít. Phải chăng chúng ta đang thiếu một cách ứng xử phù hợp với môn lịch sử?
HỨA XUYÊN HUỲNH