Xuân An ngày mới

DUY THÁI 25/08/2014 08:26

Thôn Xuân An, xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) bây giờ đã hết cách trở. Cây cầu mới bắc qua sông Ly Ly sẽ là động lực giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Cây cầu mới bắc qua sông Ly Ly phá thế cách trở, giúp người dân Xuân An có điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh DT
Cây cầu mới bắc qua sông Ly Ly phá thế cách trở, giúp người dân Xuân An có điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh DT

Trước kia, do bị ngăn cách bởi sông Ly Ly, người dân thôn Xuân An muốn đến trung tâm xã phải lội qua sông hoặc đi men theo cầu kênh dẫn nước chật hẹp, nguy hiểm rình rập. Những ngày này người dân nơi đây rất phấn khởi vì đã có cây cầu mới bắc qua sông. Bà Phan Thị Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, cầu Xuân An bắc qua sông Ly Ly với tổng kinh phí 21 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh. Đây là công trình ý nghĩa, giúp thôn Xuân An lưu thông với bên ngoài, tạo cơ hội phát triển kinh tế. “Tuy thuộc địa giới hành chính xã Bình Định Bắc nhưng thôn Xuân An lại giáp với huyện Quế Sơn và bị chia tách bởi sông Ly Ly nên việc đi lại, liên hệ công việc giữa người dân với chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Cầu Xuân An được đưa vào sử dụng đã phá thế cách trở, hiện thực mơ ước của người dân từ nhiều năm nay” - bà Hiệp nói.

Thôn Xuân An có 315 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu. Do không có cầu, cánh đồng rộng gần 6ha nằm ở bên kia sông của người dân tổ 3, tổ 4 một phần bị bỏ hoang, việc chăm sóc cây trồng cho phần diện tích được canh tác gặp không ít khó khăn. Ông Lê Hưng (tổ 4) cho biết, nhà tôi có 3 sào đất lúa phía bên kia sông, mỗi lần đi làm phải lội sông rất khổ sở, nhất là vào mùa mưa. Bây giờ có cây cầu mới, dân làng không còn lo cảnh lội sông nữa. “Nhà nước đầu tư cho cây cầu, chúng tôi vui lắm! Bây giờ có thể đi xe máy đến tận cánh đồng, việc sản xuất, thu hoạch sẽ không còn vất vả như trước; trẻ em đến trường không còn lo nguy hiểm khi lội qua sông hoặc đi cầu kênh chật hẹp”. Hiện nay, tuyến đường huyện dẫn từ thôn Bình An qua thôn Xuân An nối với huyện Quế Sơn cũng đang được giải phóng mặt bằng, người dân đã tự nguyện chặt cây keo lá tràm, hiến hàng trăm mét vuông đất để con đường sớm hoàn thành, việc đi lại càng thuận tiện hơn.

Ông Lê Văn Luận - Trưởng thôn Xuân An cho biết, người dân trong thôn dựa vào kinh tế rừng với gần 200ha chủ yếu trồng keo lá tràm. Trước kia, tuy nhà máy dăm keo Bình An Phú nằm sát bên cạnh nhưng do không có cầu nên keo nguyên liệu chủ yếu được bán về huyện Quế Sơn. Nay Xuân An đã có cầu nên chắc chắn gỗ keo sẽ không còn bị thương lái ép giá và chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, thôn Xuân An đang chú trọng tăng nhanh đàn bò lai để tận dụng lợi thế của địa phương, tạo cơ hội nâng cao thu nhập. “Ở Xuân An nhà nào cũng nuôi bò lai, hộ ít nhất 1 - 2 con. Những năm gần đây dự án bò khoa học - công nghệ đã hỗ trợ bò đực giống và một số bò nái, mở lớp tập huấn chăn nuôi bò lai giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập từ nuôi bò” - ông Luận nói. Khó khăn lớn nhất với người dân Xuân An là giao thông cách trở nay đã được gỡ bỏ, hy vọng Xuân An sẽ ngày càng đổi thay, phát triển.

DUY THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân An ngày mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO