Xuân này, về không?

TRUNG VIỆT 03/01/2020 09:24

Tôi hỏi bao tài xế grab xe máy ở các tỉnh miền Trung, lên tới Tây Nguyên đang tất bật trên đường phố Sài Gòn, đều nhận được câu trả lời “ở mình lấy chi mà sống?”.

Đó là khi tôi hỏi tết có về không, rồi răng mà đi. Nhưng đó là hỏi chơi, bởi biết có cực mới vào Sài Gòn chạy grab, làm bảo vệ, bồi bàn, công nhân, chở hàng, thợ hồ, thợ điện, tóm lại là tùm lum chuyện. Bao nhiêu người phải tha hương kiếm sống. Mọi sự phán xét với họ đều chênh vênh, thậm chí thành tào lao trước miếng cơm róng riết đến mức bẽ bàng của phận người. Nhiều lắm. Người trẻ nhất là sinh viên đang sống trọ, cơm hàng cháo chợ, bám giảng đường, chạy thêm xe để trang trải. Tôi hỏi nhiều em, chẳng đứa nào có ý… hồi hương. Sài Gòn chật chội nhưng vô cùng rộng lớn, cỡ gì cũng trụ được, miễn là có sức. Đứng ở góc độ mưu sinh, đặt cược khát vọng, nuôi hoài bão, thì Sài Gòn là vùng đất hứa đầy quyến rũ. Nhưng ở góc nhìn của những người có trách nhiệm, thì làn sóng di cư rồi ngụ cư, khiến cái nút chai dân sinh nơi đến kèm hàng loạt các vấn đề xã hội trở thành nhức nhối. Riêng tại nơi phát xuất ra chuyện di cư, loạt khoảng trống không hề đơn giản để lại khiến người ta không thể làm ngơ. Họ đi làm, sống ổn, giúp được gia đình, là mừng. Nhưng cơ cấu làng xã, ở góc độ dân số, trở nên chênh vênh. Thiếu lao động trẻ, ngành nghề khó phát triển khi đòi hỏi lao động có trình độ cao. Những yếu tố nội sinh vốn làm  nên những viên gạch cho văn hóa, trở nên rỗng.  Sự sụp đổ, biến mất, biến dạng của văn hóa làng quê, một phần xuất phát từ đây, khi những công dân trẻ của làng, xã không còn ở đó nữa, hoặc có ở cũng có cái nhìn khác đi, chưa hẳn là tiêu cực, nhưng không đồng pha với những mong muốn cần có để sự phát triển mọi mặt phát ra những tín hiệu vui.

Thử hỏi bao nhiêu người trẻ rời làng đi học rồi trở về? Đếm đầu ngón tay. Quê hương trở thành vùng trũng. Họ không về  bởi chẳng có gì hấp dẫn để gọi họ về, ngoài tình thương cha mẹ nhớ quê, nhưng bây giờ đâu phải ngày xưa, tình cảm được “mã hóa” bằng công nghệ hết, dễ dàng quá.

Lưu ý rằng, dân đô thị chính hiệu không hề có kiểu tư duy làng xã, từ mối quan hệ hành chính đến đời sống riêng tư; ít khi dòm ngó đến chuyện cá nhân; họ đặt công việc và sự tôn trọng nhau lên cao nhất khi ở công sở; ra đường thì ai cũng như ai. Điều này, ở tỉnh lẻ, khó lắm. Mà chính nó lại khiến hoặc đồng pha hoặc lệch pha với lớp trẻ. Tháo được nút tư duy này, có khi không bao giờ được. Thứ hai, tâm và tầm lãnh đạo. Ví như ở một thành phố lớn nọ, thu hút sinh viên về, họ làm thời gian cũng bỏ vì không hợp, từ chế độ lương đến quan hệ công việc. Bởi họ được tiếp thu một kiểu giáo dục khác, mà anh không giỏi hơn lại hẹp hòi thì không ổn.

Vậy có mong được không, hy vọng được không? Sẽ được, nếu đáp ứng hai vấn đề: Cơ chế và con người. Con người đẻ cơ chế. Lãnh đạo không giỏi, không rộng lượng, không công chính, thì đừng mong có cơ chế tốt. Từ cơ chế sẽ đẻ ra hoạt động, thiết lập và vận hành bộ máy. Cứ thế… Tới đây thì hiểu “lấy chi mà sống”, đâu chỉ là đồng lương. Và ngó lại “xuân này con không về” còn nhiều lắm…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân này, về không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO