Xuân về thu hoạch nén, kiệu

THIÊN NGA 06/01/2014 11:24

Thăng Bình là một trong những huyện có diện tích trồng nén, kiệu nhiều nhất tỉnh. Cây nén, kiệu đã đem lại thu nhập khá cho người nông dân nơi đây.

Nén được mùa, được giá

Những ngày này, trên những cánh đồng đất cát ở xã Bình Phục, Bình Sa, Bình Triều…, người dân đang tranh thủ thu hoạch nén. Năm nay, người trồng nén vui mừng vì nén được mùa lại được giá. Theo người dân, nếu như mọi năm giá nén chỉ giao động từ 20 – 25 nghìn đồng/kg thì hiện tại tiểu thương tới tận nhà thu mua nén với giá trung bình từ 70 – 90 nghìn đồng/kg nén củ tươi. Bà Huỳnh Thị Hương (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) vừa nhanh tay cắt từng củ nén, cho biết: “Năm nay con cháu đi làm xa nên hai vợ chồng già ở nhà chỉ làm hơn 1 sào nén, ít hơn so với mọi năm nhưng nhờ nén năm nay củ nhiều và to hơn, giá lại cao. Với 1 sào nén này, bà thu về được khoảng 200kg nén củ tươi, bán được hơn 10 triệu đồng, giúp trang trải trong dịp tết”.

Giá nén cao lại được mùa khiến nhiều người dân vui mừng. Ảnh: T.N
Giá nén cao lại được mùa khiến nhiều người dân vui mừng. Ảnh: T.N

Theo kinh nghiệm của người dân, nén thích hợp vùng đất cát, ít chua, thoát nước tốt, nhiều mùn và tơi xốp. Sau 10 - 15 ngày từ khi trồng, nông dân có thể bắt đầu thu hoạch từng đợt nén, người dân thường tỉa củ lớn riêng, củ nhỏ riêng từng đám, nén lớn để lấy củ còn nén nhỏ được bó thành từng tép rồi đem ra chợ bán với giá từ 500 – 1.000 đồng/tép. Cứ như thế, đến khoảng tháng 12, tháng giêng âm lịch là thu hoạch rộ và vụ nén cũng kết thúc. Đến tháng 6 âm lịch mới bắt đầu vụ nén mới.

Cây nén không chỉ được bán cho người tiêu dùng trong tỉnh mà còn chuyển đến các thành phố như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Văn Hơn - một tiểu thương thu mua, ông thường tới từng nhà dân mua nén củ tươi vào buổi chiều, buổi sáng đem nén giao cho các tiểu thương ở thị trấn Hà Lam, sau đó nén được vận chuyển đi các nơi. Sở dĩ người tiêu dùng chuộng nén vì nó có nhiều công dụng: để nấu cháo cá lóc, nấu chè đường đen, ngâm rượu để trị cảm nắng, dùng để trị ho, cảm cúm… Không chỉ thế, người dân miền Trung còn có thói quen dùng nén làm gia vị trong món canh, cá vừa thơm lại khử mùi tanh hiệu quả.

Thu nhập khá từ trồng kiệu

Không chỉ nén, người dân huyện Thăng Bình còn có nguồn thu nhập kha khá trước tết nhờ trồng kiệu. Kiệu nơi đây có thân to, trắng, ăn rất giòn và thơm nên được bán ở các chợ của địa phương và vận chuyển đi TP.Đà Nẵng tiêu thụ.

Người dân cho biết, kiệu bắt đầu được trồng từ tháng 9 âm lịch. Đến cuối tháng 11 âm lịch, thương lái nhiều nơi đã đổ về đây thu mua kiệu phục vụ nhu cầu trong dịp tết. Kiệu lá, nhổ rửa cân tại chỗ hiện giá 5 nghìn đồng/kg; giá kiệu củ loại 1 là 20 – 25 nghìn đồng/kg, loại nhỏ 13 – 15 nghìn đồng/kg. Với giá kiệu này, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng kiệu thu lãi ít nhất 3 - 3,5 triệu đồng/sào. Vụ xuân năm nay, ông Nguyễn Đoàn (thôn 3, xã Bình Giang) trồng hơn 1 sào kiệu. Với giá như thời điểm hiện nay, sau khi trừ chi phí ông dự tính sẽ kiếm được trên 8 triệu đồng. “Gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa, hơn nữa có được đồng tiền vào thời điểm tháng chạp thì càng giá trị” - ông Đoàn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, năm nay diện tích kiệu, nén toàn huyện đạt khoảng 300ha, tập trung ở các xã Bình Phục, Bình Giang, Bình Sa… Cây nén, cây kiệu đã đem lại thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nên người dân vẫn chưa dám đầu tư trồng quy mô lớn. Năm nay, giá nén tăng gấp 4 lần so với mọi năm, hơn nữa hầu như không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, mưa lụt, giá kiệu cũng có tăng nhẹ, hy vọng người trồng kiệu, nén được đón cái tết ấm áp.

THIÊN NGA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuân về thu hoạch nén, kiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO