Xuất khẩu lao động gặp khó

THÀNH CÔNG 07/08/2015 08:35

Tỷ lệ xuất khẩu lao động quá thấp, nhiều địa phương chưa quan tâm thực hiện và công tác liên kết tạo nguồn còn nhiều hạn chế… đang là những rào cản trong công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Địa phương thiếu quan tâm

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 7.2015, toàn tỉnh chỉ có 120 lao động đi xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Nhật Bản (108 lao động). Tỷ lệ này là rất thấp so với các tỉnh thành khác, trong khi nhu cầu xuất khẩu và lực lượng lao động ở Quảng Nam khá lớn, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Năm 2015, chỉ tiêu xuất khẩu lao động giao cho các địa phương trên toàn tỉnh là 300 lao động, nhưng đến nay số lao động được đưa đi xuất khẩu chỉ mới đạt xấp xỉ 40%. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng thời gian qua nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng đúng mức đến công tác này. Đến nay, chỉ mới có 12/18 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch xuất khẩu lao động, trong khi có đến 8 huyện không tổ chức rà soát lao động có nhu cầu tham gia Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản và 4 huyện chưa triển khai thực hiện hoạt động nào liên quan (Phú Ninh, Bắc Trà My, Nam Trà My và Nam Giang). “Quảng Nam là tỉnh có lượng lao động khá lớn, nhu cầu xuất khẩu lao động vì thế cũng không thể gọi là thấp so với các tỉnh khác nhưng tỷ lệ đạt được là rất thấp. Điều này cho thấy các địa phương vẫn còn thiếu quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động, trong khi đây được xem là một trong những giải pháp giúp giảm nghèo bền vững” - ông Triều nói.

Người dân đến tìm hiểu thủ tục xuất khẩu lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam. Ảnh: D.LỆ
Người dân đến tìm hiểu thủ tục xuất khẩu lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam. Ảnh: D.LỆ

Triển khai thực hiện theo chủ trương của tỉnh về xuất khẩu lao động, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức đoàn công tác làm việc với nhiều doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh về phối hợp tư vấn tạo nguồn, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu. Một số địa phương như Tiên Phước, Quế Sơn, Tam Kỳ, Núi Thành, Hội An cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, số lượng người lao động đến với những hội nghị tư vấn theo phản ánh của Phòng LĐ-TB&XH các huyện là rất thấp. Thiếu thông tin, công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả và sự hời hợt trong cách thức tổ chức của các đơn vị là nguyên nhân khiến người lao động thờ ơ, mù mờ với những cơ hội xuất khẩu lao động.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Sơn chia sẻ, nhiều buổi tư vấn xuất khẩu lao động dù đã được thông báo rộng rãi đến người dân nhưng vẫn chưa tạo được sức hút. Các đoàn thể, tổ chức chưa phát huy được vai trò trong việc kêu gọi sự tham gia của người dân đối với công tác xuất khẩu lao động. Tâm lý e dè, thiếu chủ động của người lao động ở địa phương cũng là một khó khăn trong việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động suốt những năm vừa qua.

Nhiều rào cản

Những yếu kém trong công tác triển khai thực hiện và đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở địa phương kéo theo nghịch lý nảy sinh. Đó là tình trạng nhiều người dân sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng cho các công ty tư vấn du học để làm thủ tục, nhưng thực tế là ra nước ngoài làm việc chui hoặc xuất khẩu lao động núp bóng du học với nhiều rủi ro. Đây là tình trạng phổ biến ở địa bàn các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh. Đầu năm 2014, Báo Quảng Nam đã từng phản ánh tình trạng nhiều thanh niên ở Bình Minh (Thăng Bình) bị lừa đi du học Nhật Bản rồi sau đó phải sống vất vưởng, lao động chui và buộc phải về nước, đối mặt với những khoản nợ lớn.

“Thời gian tới, các ban ngành, địa phương cần vào cuộc, phát huy trách nhiệm trong công tác xuất khẩu lao động. Cần tuyên truyền và xây dựng lại nhận thức đúng đắn cho người dân về lợi ích của xuất khẩu lao động, đồng thời đẩy mạnh liên kết tạo nguồn xuất khẩu lao động, khơi thông tiềm năng này trong thời gian tới”.
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh)

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, dù đã tổ chức nhiều buổi tư vấn cho người lao động, có sự tham gia của các ban ngành và chính quyền địa phương nhưng vẫn khó cạnh tranh với các công ty tư vấn du học đang nở rộ. Xảy ra nghịch lý này là do các công ty tư vấn kiểu này “tô hồng” lợi ích nhằm lấy tiền của người dân với những hứa hẹn về thu nhập và quyền lợi rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu đều nêu cụ thể công việc, yêu cầu và mức thu nhập theo thực tế. “Một phần vì người dân quá cả tin vào những lời hứa hẹn của các công ty tư vấn du học, nên không muốn tham gia xuất khẩu lao động thông qua các buổi tư vấn do chúng tôi tổ chức. Rồi khi những trường hợp này bị lừa đi lao động chui, lâm vào nợ nần và về nước lại gây ra tâm lý lo sợ cho những lao động khác. Chính vì thế mà hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng” - ông Tưởng nói.

Bên cạnh những khó khăn nảy sinh do tình trạng lừa đi xuất khẩu lao động dưới hình thức du học, việc người lao động thiếu thông tin, không nắm bắt được những điều kiện để đi xuất khẩu lao động và tâm lý “được đi ngay và được có thu nhập rất cao” đang đặt ra nhiều thách thức cho việc tuyên truyền, thông tin về xuất khẩu lao động. Hiệu quả của công tác này đến thời điểm hiện tại được đánh giá là còn quá yếu so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Ngoài ra, nhiều trường hợp được đưa đi xuất khẩu lao động dù đã hết thời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp không chỉ làm nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, mà còn tước đi cơ hội của những lao động khác ở quê nhà. Gần đây nhất, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa gửi công văn thông báo 53 lao động của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hết hạn hợp đồng lao động từ năm 2012 trở về trước nhưng không về nước, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đây chính là một trong những khó khăn cho địa phương trong việc duy trì các chương trình liên kết xuất khẩu lao động với nước ngoài.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu lao động gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO