Xuất khẩu lao động năm 2018: Hướng đến thị trường chất lượng cao

DIỄM LỆ 01/03/2018 09:19

Mục tiêu năm 2018 đưa hơn 1.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Định hướng của tỉnh là tập trung đưa người đi XKLĐ ở những thị trường chất lượng cao. Đó không chỉ do nguồn thu nhập mà còn tạo môi trường nguồn lao động (LĐ) chất lượng lâu dài.

Một doanh nghiệp ở Nhật Bản đến tận nhà người lao động tại Tiên Phước đặt vấn đề đi xuất khẩu lao động. Ảnh: D.L
Một doanh nghiệp ở Nhật Bản đến tận nhà người lao động tại Tiên Phước đặt vấn đề đi xuất khẩu lao động. Ảnh: D.L

Vẫn còn khiêm tốn

Năm 2017, toàn tỉnh đã đưa được 794 người đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu đề ra của năm, nguồn thu nhập từ những người đi XKLĐ mang về lên đến con số khoảng 200 tỷ đồng. Trên cơ sở này, năm 2018 toàn tỉnh sẽ phấn đấu đưa hơn 1.000 người đi XKLĐ. Thị trường mà LĐ của tỉnh hướng đến chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm qua, XKLĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các địa phương vào cuộc tích cực trong khơi dậy phong trào XKLĐ của tỉnh. Có thể kể đến một số nơi như Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước có rất nhiều LĐ đi xuất khẩu. Dù là kết quả tốt của tỉnh, nhưng so với các tỉnh phía bắc thì số người đi XKLĐ của Quảng Nam còn rất khiêm tốn. “Trong năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu vượt lên mốc mới, phải đạt hơn 1.000 người đi XKLĐ. Sở đang xây dựng đề án về XKLĐ, dự kiến trình kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh và xây dựng kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ, thúc đẩy XKLĐ thành phong trào sôi nổi, rộng rãi trong nhân dân” - ông Triều chia sẻ.

Tôi đi ra các tỉnh phía bắc tìm hiểu thấy họ có hợp tác xã tín dụng, hỗ trợ cho người đi XKLĐ rất tốt. Ở tỉnh ta chỉ vay tiền đi XKLĐ qua kênh chính thống, qua các ngân hàng nên thủ tục hồ sơ lâu. Trong quá trình chờ đi XKLĐ, chi phí người LĐ phải bỏ ra trước, khi được đi chính thức nghĩa là khi có hợp đồng LĐ mới được vay vốn, có người trước khi bay 2 ngày mới được vay vốn nên rất khó”. (Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình)

Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường hướng tới của tỉnh trong những năm qua và năm 2018 này. Doanh nghiệp đến với tỉnh để tuyển dụng người đi XKLĐ cũng được lựa chọn là những doanh nghiệp uy tín chuyên đưa LĐ đi xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao, có giấy phép do Bộ LĐ-TB&XH cấp. “Thị trường còn trăn trở của tỉnh là Đài Loan, năm qua chỉ có 27 LĐ đi làm việc có thời hạn ở đây. Thị trường này LĐ các tỉnh phía bắc đi rất nhiều, nhưng Quảng Nam chưa tìm được doanh nghiệp tin tưởng nên không dám tuyên truyền cho LĐ nhiều” - ông Tưởng nói. Ông Tưởng cho hay, nếu trong đề án XKLĐ sắp tới có chính sách đột phá là thưởng cho thôn làm tốt công tác XKLĐ thì số lượng người đi XKLĐ sẽ tăng lên rất nhiều, khi các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, mặt trận thôn cùng vào cuộc.

Nhiều việc phải làm

Nguồn LĐ của tỉnh đang ở đâu? Đây là câu hỏi cần được ngành chức năng điều tra và nắm rõ để khi doanh nghiệp đến, tỉnh mới có thể trả lời được cho họ về nguồn LĐ. Và khi biết nguồn LĐ ở đâu mới biết được chất lượng LĐ thế nào để có hướng đào tạo tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ... Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, với sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ tỉnh đến huyện, ở Đại Lộc đã có nhiều chuyển biến trong XKLĐ. Theo ông Vũ, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đến việc củng cố lại ban chỉ đạo để làm tốt hơn bằng những chỉ tiêu được giao cụ thể. Ngành LĐ-TB&XH cần khảo sát và nắm cụ thể số lượng LĐ có đủ điều kiện tham gia XKLĐ, và huyện cũng sẽ làm điều này để có thể cung ứng được nguồn LĐ chất lượng. Thị trường LĐ uy tín, công ty uy tín đủ điều kiện đưa người đi XKLĐ cần được phổ biến rộng rãi cho người LĐ biết, tránh tình trạng gây mất lòng tin trong LĐ sẽ làm ảnh hưởng đến phong trào chung.

Trong nhiều năm qua, Thăng Bình là huyện có số người tham gia XKLĐ nhiều nhất, riêng năm 2017 toàn huyện có 186 người đi XKLĐ. Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ, LĐ của huyện được tiếp cận thông tin về XKLĐ qua phương tiện thông tin đại chúng, qua chính quyền đoàn thể… nên đi nhiều. Cả 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình đều được tổ chức các buổi tìm hiểu thông tin thị trường LĐ trong và ngoài nước. So với mặt bằng chung của toàn tỉnh, XKLĐ của Thăng Bình đông hơn, nhưng so với tiềm năng LĐ thì con số đó vẫn còn thấp, do người LĐ còn e ngại rủi ro, người dân tạm bằng lòng với cuộc sống nên không muốn đi xa, chi phí chuyến đi cao nhưng nguồn tài chính của người dân có hạn, trình độ tay nghề, ngoại ngữ còn thấp nên khi phỏng vấn khó trúng tuyển. Về phương pháp tuyên truyền, cần dùng người đã đi XKLĐ về lại quê hương để tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn, bởi chính họ sẽ là nhân chứng sống với cuộc sống kinh tế khá hơn, tác phong làm việc hiện đại hơn. “Khó khăn của LĐ Thăng Bình còn tập trung nhiều ở lý do hạn hẹp tài chính. Tôi đi ra các tỉnh phía bắc tìm hiểu thấy họ có hợp tác xã tín dụng, hỗ trợ cho người đi XKLĐ rất tốt. Ở tỉnh ta chỉ vay tiền đi XKLĐ qua kênh chính thống, qua các ngân hàng nên thủ tục hồ sơ lâu. Trong quá trình chờ đi XKLĐ, chi phí người LĐ phải bỏ ra trước, khi được đi chính thức nghĩa là khi có hợp đồng LĐ mới được vay vốn, có người trước khi bay 2 ngày mới được vay vốn nên rất khó” - ông Thức nói.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuất khẩu lao động năm 2018: Hướng đến thị trường chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO