Hoạt động kinh doanh thương mại ở Hội An ngày càng sôi động, ngoài sức tiêu thụ tại chỗ đối với các dịch vụ vui chơi, ăn uống, lượng lớn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có cơ hội đến được “xứ người” bằng con đường xuất khẩu tại chỗ.
Trong chuyến du lịch tại Hội An vừa qua, vợ chồng bà Martin Smith, du khách người Pháp đã đến tham quan và chọn mua sản phẩm của một cơ sở sản xuất đèn lồng ở phường Cẩm Châu. Ngoài mua 5 cặp 5 màu sắc khác nhau về tặng bạn bè, người thân, vợ chồng bà đã chọn thêm 2 cặp đèn lồng xếp, mẫu thiết kế mới, với màu vàng nhã nhặn để sử dụng trong phòng ngủ của gia đình. Số hàng trên đều do ông bà tự tay lựa chọn, sau đó cơ sở kinh doanh chuyển đến khách sạn nơi ông bà lưu trú. Bà Martin Smith cho biết: “Tôi đến Hội An lần đầu và rất ấn tượng với hình ảnh đèn lồng giăng khắp phố cổ. Đèn rất nhẹ và tinh tế, ngôi nhà xinh đẹp của chúng tôi và bè bạn sẽ có thêm những sắc màu mới. Bạn nhìn xem, đèn được làm tại gia đình và còn in chữ Hội An trên đó nữa. Điều đó rất quan trọng vì đây là sản phẩm đặc trưng nhất có thể ghi dấu kỷ niệm cho chuyến du lịch này của vợ chồng tôi ở Hội An - Việt Nam”.
Những năm qua, gần 50 cơ sở sản xuất đèn lồng ở thành phố luôn đổi mới, cải tiến mẫu mã để du khách có thể chọn mua. Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, khối phố Lâm Sa, phường Cẩm Phô chuyên về đèn lồng cho hay, sản phẩm đèn lồng trước đây ít được du khách chọn do không thể xếp gọn, cồng kềnh khi di chuyển. Để khắc phục nhược điểm trên, các cơ sở sản xuất cùng chung ý tưởng thực hiện kiểu đèn lồng xếp rất tiện dụng, nhiều du khách khi đến Hội An đã mua vài chục chiếc để làm quà. Nhờ đó, lượng hàng xuất bán tại chỗ cũng ngày càng nhiều hơn. Ông Trần Hà, chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Hà Linh, khối Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu cho hay: “Nhiều nghệ nhân và một số anh em gắn bó với nghề làm đèn lồng nghĩ cách tăng lượng sản phẩm xuất ra nước ngoài thông qua du khách. Theo đó, các cơ sở cùng bắt tay thực hiện sản phẩm đèn lồng xếp, tổ chức tour trải nghiệm làm đèn lồng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ một cách hiệu quả”.
Không chỉ có mặt hàng đèn lồng, thời gian qua, các ngành hàng chủ lực ở Hội An như may mặc, giày da, túi xách, hàng lưu niệm và kể cả hàng mộc mỹ nghệ cũng tiêu thụ được một lượng lớn hàng thông qua con đường xuất khẩu tại chỗ. Với ưu thế may “nóng”, hoàn thiện sản phẩm nhanh, giao hàng tận nơi, các cơ sở may mặc, giày da, túi xách ở Hội An đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách bằng cách đo, cắt, may trực tiếp. Một du khách may complet tại Thu Thủy Silk chia sẻ: “Trước khi đến Hội An tôi đã biết đến nghề may nhanh của các bạn. Tôi nghĩ mình nên trải nghiệm sắm vài bộ vest mới vì ở đây may uy tín, rẻ hơn ở đất nước chúng tôi và quan trọng là đẹp”.
Theo UBND thành phố, từ khi du lịch phát triển, lượng khách đến Hội An ngày càng tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu tại chỗ qua hình thức mua bán, tiêu thụ trực tiếp. Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo đánh giá ban đầu của các đơn vị hữu quan, lượng hàng xuất khẩu tại chỗ có thể cao hơn rất nhiều so với con đường xuất khẩu theo thủ tục hải quan. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Trong thời gian đến, xuất khẩu trực tiếp vẫn là một hướng mà thành phố tập trung ưu tiên. Theo đó, việc gìn giữ thương hiệu, uy tín, chất lượng các sản phẩm phục vụ mua sắm của du khách là vấn đề trọng tâm thông qua sự phối hợp của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh”.
LÊ HIỀN