Tại hội thi Báo cáo viên giỏi năm 2013 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với trường Chính trị Quảng Nam tổ chức, có một thí sinh đã ở tuổi 64 đến từ huyện Thăng Bình. Ít ai biết rằng, người lính trên mặt trận tư tưởng này là một trong những chiến sĩ đã tham gia vào trận đánh Núi Thành nổi tiếng năm xưa. Ông là Phạm Ngọc Tùng, hiện sống tại Quán Gò, xã Bình An.
Ông Phạm Ngọc Tùng. |
Dũng sĩ Núi Thành
Quê gốc của ông Tùng vốn ở xã Bình Sa, Thăng Bình. Cuối năm 1964, khi phong trào đồng khởi bùng lên, phá ách kìm kẹp của địch ở vùng đông Thăng Bình, ông cũng như nhiều thanh niên trong vùng hăng hái gia nhập Tiểu đoàn 70 - lực lượng vũ trang đầu tiên của Quảng Nam thời chống Mỹ. Phạm Ngọc Tùng trở thành chiến sĩ của Đại đội 2 khi mới 16 tuổi. Trải qua các chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc - Tiên Hiệp rồi Tiên Sơn - Tiên Cẩm - Tiên Hà; hỗ trợ đồng khởi ở các huyện đồng bằng, chống địch càn quét lấn chiếm, Tiểu đoàn 70 ngày càng trưởng thành. Tháng 5.1965 Mỹ đổ quân vào Chu Lai, Núi Thành, đưa một đơn vị lính thủy đánh bộ lên đóng tại Kỳ Hà (xã Tam Nghĩa ngày nay) nhằm bảo vệ căn cứ này. Cấp trên lệnh cho Đại đội 2 đánh một trận thử sức với quân viễn chinh Mỹ. Ông Phạm Ngọc Tùng nhớ lại: “Chúng tôi được cấp trên làm công tác tưởng rất kỹ, sau đó được trang bị thêm nhiều vũ khí nên cả đại đội tin tưởng bước vào trận đánh”. Trận Núi Thành thì sách báo đã nói nhiều, riêng với ông Tùng đây là trận “so găng” đầu tiên và cũng là cuối cùng với quân Mỹ. Ông đã bị thương vào phút chót của trận đánh: “Mũi chúng tôi phát triển thuận lợi lên tới đỉnh núi, trận đánh cơ bản đã kết thúc thì tôi nghe phía dưới chân đồi có tiếng lính Mỹ la hét. Tôi liền ném về phía chúng 2 quả lựu đạn chày, chỉ một quả nổ. Vẫn nghe tiếng bọn chúng la. Tôi kéo luôn một băng tiểu liên, lắp băng thứ 2 bắn tiếp một loạt thì kẹt đạn. Tôi đứng lên định tháo đạn thì bị một viên đạn của địch xuyên qua vai”.
“Báo cáo viên Phạm Ngọc Tùng là người rất tâm huyết và chu đáo với công việc. Các bài giảng luôn được đồng chí chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Mặt khác, từng giảng dạy chính trị nên anh có phương pháp, kỹ năng truyền đạt hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Và điều đáng quý là dù tuổi đã cao, mang trên mình vết thương chiến tranh nhưng anh vẫn chấp hành sự phân công của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đi giảng bài ở cả những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện”. (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình Nguyễn Thanh Hùng) |
Dân công hỏa tuyến khiêng ông về trạm hậu phẫu tiền phương ở Kỳ Sanh nhưng dọc đường máu vẫn chảy mà không ai hay biết. Về tới trạm xá ở Kỳ Quế, ông Tùng do mất quá nhiều máu đã bất tỉnh. Thì ra y tá chỉ phát hiện vết đạn thoát ra và băng phần đó, còn nơi viên đạn găm vào nằm sâu trong hốc nách, không kiểm tra kỹ nên bỏ qua. Tưởng ông đã chết, người ta khiêng ra để ngoài nhà xác. Hôm sau, một y tá ra đây, tình cờ nghe tiếng rên rồi thấy ông khẽ cựa mình trên võng nên lại đưa vào cứu chữa. Vết thương của ông nhiễm trùng nặng, phải mất 3 tháng điều trị mới lành. Thoát chết trong gang tấc, nhưng chàng dũng sĩ Núi Thành - Phạm Ngọc Tùng phải rời quân ngũ. Ông về một đơn vị dân sự đóng ở Kỳ Quế, năm 1971 chuyển sang công tác tại Khu ủy 5, di chuyển khắp nơi trên miền tây Quảng Nam.
Trên trận tuyến mới
Miền Nam giải phóng, Phạm Ngọc Tùng được cử đi học tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Đà Nẵng, rồi về dạy tại trường Đảng của tỉnh đóng tại Hội An. “Qua chiến tranh lửa đạn, ai cũng muốn yên bề vợ con nhà cửa, nhưng tôi nghĩ phải học tiếp, học nữa”. Thế là ông đi học tiếp tại trường Tuyên huấn Trung ương 2 tại Hà Nội. Tốt nghiệp, về trường cũ ông làm chủ nhiệm khoa Kinh tế chính trị. Năm 1990 ông xin về hưu, chọn Quán Gò, xã Bình An định cư, làm đủ mọi việc để nuôi con, tích cực tham gia công tác địa phương.
Năm năm nay, ông Tùng được mời làm báo cáo viên cho Huyện ủy Thăng Bình rồi làm giáo viên kiêm chức cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Thế là dũng sĩ Núi Thành năm xưa lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận tư tưởng. “Người có kiến thức có thể không làm thầy, nhưng người làm thầy nhất quyết phải có kiến thức”. Tâm niệm như vậy nên ông luôn làm mới hiểu biết của mình. Tuổi cao, lại không có điều kiện tiếp cận các phương tiện truyền thông hiện đại, hàng ngày ông Tùng chuyên chú vào việc nghiên cứu sách báo, cập nhật thông tin vào giáo án. Vốn lý luận và kinh nghiệm giảng dạy của một giảng viên trường Đảng giúp ông có phương pháp chuẩn bị một bài giảng tốt. Ông thổ lộ: “Phải nắm vững khái niệm. Trong các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước ta ban hành những năm qua, có rất nhiều khái niệm mới xuất hiện. Phải hiểu rõ các khái niệm ấy thì người báo cáo viên mới giúp người học nắm vững được các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước”. Theo ông, truyền đạt nghị quyết, phải chú ý đến các vấn đề thời sự, nhưng cũng không nên sa vào các câu chuyện tiêu cực mà xao lãng nội dung chính.
Là một báo cáo viên, ông Phạm Ngọc Tùng luôn tâm niệm phải giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch lành mạnh, cần kiệm; nói phải đi đôi với làm. Bởi theo ông, khi lên trên bục nói một đường, khi xuống làm một nẻo thì đó là kẻ đạo đức giả, chẳng ai nghe mà chỉ làm cho thiên hạ cười. Những năm tháng dạy ở trường Đảng và cho đến bây giờ, ông Tùng vẫn khắc ghi lời dạy của Bác “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình”.
DUY HIỂN