Xúc tiến thương mại cho hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 10/09/2019 10:06

Xúc tiến thương mại giữ vai trò quan trọng để tạo cú hích lan tỏa hàng Việt đến người tiêu dùng, vì thế rất cần các giải pháp thiết thực để tạo điểm nhấn trong thời gian đến.

Doanh nghiệp, HTX, làng nghề cần xúc tiến thương mại để hàng hóa rộng mở đến người tiêu dùng. Ảnh: QUANG VIỆT
Doanh nghiệp, HTX, làng nghề cần xúc tiến thương mại để hàng hóa rộng mở đến người tiêu dùng. Ảnh: QUANG VIỆT

Kết nối cung cầu

Các hội chợ, phiên chợ được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Sở Công Thương đã thực hiện 2 mô hình điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị HT Mart (huyện Đông Giang) và siêu thị Phương Anh (huyện Nam Trà My) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng Việt đến miền núi. Ngành công thương đã xây dựng đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản vào các siêu thị trong và ngoài Quảng Nam” nhằm tìm đầu ra cho hàng nông sản của tỉnh. Các chương trình bình ổn thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) làng nghề tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã rộng mở cơ hội quảng bá, bán hàng hóa Quảng Nam.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) đánh giá, các chương trình kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh đã giúp doanh nghiệp, HTX, các làng nghề Quảng Nam xác lập các kênh phân phối theo vùng, mở rộng mạng lưới tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ trao đổi trực tiếp về nhu cầu và khả năng cung cấp sản phẩm đặc trưng, Quảng Nam cùng các tỉnh thành trong cả nước đã đẩy mạnh hợp tác, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ký kết thỏa thuận tiêu thụ hàng hóa lâu dài. Nhờ đó, nguồn hàng hóa phong phú, chất lượng với giá phải chăng đã đến tay người tiêu dùng, qua đó thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Tham gia hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có điều kiện để cải thiện năng lực marketing, tiếp cận hàng hóa cùng chủng loại của doanh nghiệp khác để nhận diện vị thế. Xúc tiến thương mại hay trải nghiệm “trăm nghe không bằng một thấy” mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mà doanh nghiệp có thể dự lường, thích ứng để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Thành Vinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (xã Bình Đào, Thăng Bình) cho rằng, qua chương trình kết nối giao thương, khi đã cập nhật được đầy đủ thông tin về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm, chất lượng, giá cả thì doanh nghiệp biết mình phải làm gì để đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. “Trong xu thế hội nhập, thuận lợi và thách thức bao giờ cũng đan xen, doanh nghiệp rõ ràng cần phải khắc phục để tự hoàn thiện mình hơn, có chỗ đứng trong cơ chế thị trường” - bà Vinh nói.

Thay đổi để phù hợp

Mới đây, Bộ Công Thương phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đề án được ban hành với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối có uy tín trên thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đề án phải đáp ứng các tiêu chí về sản xuất, phân phối sản phẩm thương hiệu Việt, cung ứng dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng tốt, chiếm thị phần lớn, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp, các HTX, làng nghề Quảng Nam phần lớn là nhỏ và vừa, quy mô sản xuất, năng lực quảng bá sản phẩm, nguồn lực tài chính còn chưa lớn mạnh. Do vậy việc tham gia hội chợ, các chương trình kết nối cung cầu sẽ tiết kiệm chi phí trong xúc tiến thương mại. Theo ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong xúc tiến thương mại rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trợ giúp của các cơ quan chức năng, tiếp sức của các hiệp hội ngành nghề nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trưng bày, kinh doanh.

Còn theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), để tạo ra bước đột phá trong xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần hạn chế tối đa các sản phẩm chưa được cải tiến mẫu mã và chất lượng vì dễ tạo nghèo nàn về thông tin sản phẩm, gây sự nhàm chán cho khách hàng. Doanh nghiệp cần chọn những sản phẩm có thế mạnh, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đó là cách thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lê Thái Bình cho rằng, trong xúc tiến thương mại, ngoài chú trọng năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp còn cần chiến lược định giá sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau, nhất là theo sát những biến động của thị trường. Bởi sản phẩm, hàng hóa thường biến động theo thời gian, mùa vụ, nhu cầu, thị hiếu. Sở Công Thương thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, cần phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đoàn thể cấp huyện tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về các vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo, các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho người dân mua sắm, tiếp cận với hàng Việt có chất lượng.

“Ngành công thương cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo hướng phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp với các địa phương, người tiêu dùng trong tỉnh. UBND các cấp có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, đặc biệt là người dân khu vực miền núi, biên giới, khu đô thị và khu công nghiệp” - ông Lê Thái Bình nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xúc tiến thương mại cho hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO