Xứng danh anh hùng

PHẠM NÊN 15/06/2013 08:34

Nguyễn Hồng Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khổ ở thôn Cẩm Sa (Điện Nam Bắc, Điện Bàn). Gần 50 năm tham gia công tác cách mạng, ông đã đội mưa bom, bão đạn, có mặt trên khắp các chiến trường. Hồi đó, Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia Đà Nẵng đã truy lùng gắt gao và có lệnh “Báo thị tầm nã” đối với ông. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ông vừa được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những trận đánh táo bạo

Năm 1961, Điện Bàn thành lập lực lượng vũ trang để tham gia đánh Mỹ. Ngày 26.4.1962, Điện Bàn phát động đồng khởi phá kèm ở 7 xã và chọn 3 xã làm trọng điểm đồng khởi là Kỳ Minh (nay là xã Điện Thọ), Thanh Sơn (Điện Tiến) và Thanh Trung (Điện Hòa) để tiến hành diệc ác phá kèm, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Lúc này lực lượng vũ trang huyện đã bổ sung được một trung đội và bố trí 3 tiểu đội đứng ở 3 điểm. Tiểu đội 2 do Nguyễn Hồng Thắng làm Tiểu đội trưởng, phụ trách xã Kỳ Minh. Trước giờ nổ súng, Nguyễn Hồng Thắng bí mật cho lực lượng ta nằm hết trong nhà dân sát nách cơ quan địch. Đúng 17 giờ, ông chỉ huy đơn vị nổ súng đánh vào cơ quan xã Kỳ Minh, tiêu diệt một trung đội tổng đoàn, bắt sống thôn trưởng và mở phiên tòa tại chỗ để xử tội tên ác ôn này.

Ông Nguyễn Hồng Thắng kể lại những câu chuyện một thời lửa đạn. Ảnh: LÊ VŨ
Ông Nguyễn Hồng Thắng kể lại những câu chuyện một thời lửa đạn. Ảnh: LÊ VŨ

Tháng 3.1964, tại Đại hội Đảng bộ huyện, Nguyễn Hồng Thắng được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và giao nhiệm vụ tiếp tục phụ trách vùng cát. Huyện ủy giao trọng trách tìm mọi cách tiêu diệt Đại đội biệt lập Phạm Hàng của quận Điện Bàn. Một hôm, trời chạng vạng, một đại đội bộ đội địa phương huyện gồm 60 cán bộ, chiến sĩ vừa chuyển quân vào xóm Đập để ăn cơm tối thì tên Đại đội trưởng Phạm Hàng kéo quân từ cơ quan Thanh Thủy xuống Viêm Đông. Thời cơ đã đến, Nguyễn Hồng Thắng chỉ đạo toàn đơn vị dù có hy sinh cũng phải quyết tâm diệt cho được đơn vị của tên Hàng để phá kèm giải phóng vùng cát. Sau khi nắm kỹ tình hình địch, đơn vị đưa quân vào ấp chiến lược thôn An Đông - Hòa Hải. Nhanh chóng, Nguyễn Hồng Thắng chỉ huy đại đội ém quân trong nhà dân, tuyên truyền vận động để nhân dân biết quân giải phóng về đánh địch phá kèm. Đúng giờ G (12 giờ) Nguyễn Hồng Thắng cho lệnh xuất quân, 3 mũi bao vây tấn công địch. Phát súng đầu tiên nhằm thẳng vào Phạm Hàng khiến tên này bị thương. Trận chiến đấu diễn ra suốt 2 giờ đồng hồ. Bọn địch dựa vào hàng rào và giao thông hào ấp chiến lược chống trả quyết liệt. Bộ đội ta chưa quen chiến trường, mà lại nổ súng đánh vào ban ngày, trong lúc quân số địch nhiều hơn ta (địch có 104 tên, ta có 60 cán bộ, chiến sĩ), nhưng với lối đánh táo bạo, xuất quỷ nhập thần, ta xông lên đánh phủ đầu tiêu diệt tại chỗ được 42 tên, bắt sống 22 tên địch.

Tháng 3.1967, với nhiệm vụ Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Điện Bàn, Nguyễn Hồng Thắng được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh đồn Gò Đinh. Chốt điểm Gò Đinh được cấu trúc bên trong có 7 lô cốt, 3 nhà lính, chạy quanh có 2 giao thông hào, 10 lớp hàng rào. Lực lượng chốt giữ có trung đội lính Mỹ gồm 32 tên (gọi là Trung đội Mỹ CAP) và trung đội nghĩa quân có 27 tên. Bọn chúng ngày đêm lùng sục, đánh phá các địa bàn lân cận để bảo vệ mặt sau Chi khu quận lỵ Điện Bàn. Theo phương án chiến đấu, ta chọn ban đêm nổ súng tiến công, sử dụng lực lượng bí mật mở cửa, bắt liên lạc với 2 cơ sở nội tuyến bên trong để đưa các tổ chiến đấu vào áp sát mục tiêu và chờ giờ hợp đồng nổ súng chiến đấu.

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị chiến trường, Nguyễn Hồng Thắng cho tổ chức lực lượng huấn luyện theo sa bàn tác chiến, làm lễ tuyên thệ xuất quân. Đúng 18 giờ ngày 9.6.1967, từ Xuyên Thái (Duy Xuyên) lực lượng bộ đội hành quân đến vị trí tập kết ở Triêm Đông. 21 giờ các tổ, mũi xuất kích chiếm lĩnh trận địa, 23 giờ đêm ta hoàn thành nhiệm vụ mở cửa, các mũi áp sát mục tiêu, phát hiện 2 cơ sở nội tuyến đứng gác và ra tín hiệu mở màn trận đánh. Đến 1 giờ sáng 10.6 trận đánh bắt đầu, các mũi quân đồng loạt dùng lựu đạn, thủ pháo tiểu liên đánh vào các mục tiêu được phân công. Bị tấn công bất ngờ, địch vô cùng hoang mang, dao động. Sau 30 phút chiến đấu kiên cường, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, các mũi tập trung thu chiến lợi phẩm. Kết quả trận này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 31 tên lính Mỹ, 11 tên ngụy, bắt 7 tên lính ngụy, còn 2 cơ sở nội tuyến cũng thoát ly ra vùng giải phóng an toàn. Nhưng bất ngờ sau đó, pháo địch bắn dồn dập vào chốt điểm Gò Đinh làm 3 đồng chí của ta hy sinh, 3 người khác bị thương. Ban chỉ huy trận đánh nhanh chóng ra lệnh rút quân để tránh thương vong. Trận tiến công tiêu diệt chốt điểm Gò Đinh là một trận đánh hay, táo bạo, sau trận đánh này, ông Nguyễn Hồng Thắng thay mặt đơn vị đi báo cáo kinh nghiệm tại Hội nghị Tỉnh ủy và được biểu dương, khen ngợi.

Một Bí thư năng động, bản lĩnh

Tháng 11.1967, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà phân công Nguyễn Hồng Thắng làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Đây là giai đoạn Điện Bàn gặp nhiều khó khăn, ác liệt nhất. Gian khổ nhất là tháng 10.1968, suốt 21 ngày đêm, cơ quan Huyện ủy Điện Bàn nằm trong vòng vây của 10 nghìn quân Mỹ ngụy càn quét ở các xã Điện Phước, Điện An, Điện Thọ. Với cương vị Bí thư Huyện ủy, trong thế trận “nghìn cân treo sợi tóc”, ông vẫn bình tĩnh chỉ đạo các cơ quan của huyện ủy bí mật chuyển một bộ phận cán bộ thoát ra khỏi vòng vây, lo tập trung giải quyết ăn uống, thuốc men cho thương binh, chôn cất liệt sĩ. Đến ngày thứ 19 toàn Ban Thường vụ huyện ủy mới ra được khỏi vòng vây của địch an toàn để tiếp tục chỉ đạo phản công các trận càn quét của địch bảo vệ vùng giải phóng.

Những năm tháng chiến tranh, nhất là từ lúc làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, nhiều lần “vào sinh ra tử”, Nguyễn Hồng Thắng vẫn mưu trí, kiên cường, dũng cảm lãnh đạo quân, dân trong huyện làm nên những chiến công lừng lẫy. Kết thúc chiến tranh gia đình ông đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc 9 liệt sĩ, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Dù ở đâu, trên cương vị nào, từ lúc làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn đến lúc về tỉnh làm chuyên gia ở Campuchia, rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Hồng Thắng luôn toàn tâm, toàn ý với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tháng 10.1971, địch đánh phá liên tục, cán bộ không có đường nào lên căn cứ để tham gia Đại hội Đảng bộ huyện. Nguyễn Hồng Thắng quyết định tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện ngay trong lòng đất tại thôn Châu Lâu (xã Điện Thọ). Địa điểm đại hội là nhà thờ tộc Trương, được bố trí làm hầm bí mật với quy mô đủ chỗ ngồi cho 250 đại biểu và đảm bảo an toàn. Đại hội được tổ chức trong 3 đêm liền, từ 19 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Sáng ra, các đại biểu phân tán, tạm lánh về xã. Tại đại hội, đồng chí Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Hồ Nghinh về dự và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn “làm đèn pha, áo giáp cho Đà Nẵng”.

Sau khi về tỉnh công tác với các chức danh Trưởng ban Đấu tranh chính trị, Trưởng ban Dân vận, Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 10.1975, Nguyễn Hồng Thắng tiếp tục được phân công về làm Bí thư Huyện ủy Điện Bàn. Sau chiến tranh, Điện Bàn có 98 (trong tổng số 114) thôn bị cày ủi, hàng vạn dân khắp nơi trở về với hai bàn tay trắng. Với nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy, ông luôn canh cánh nỗi lo công tác an dân. Ông phát động toàn huyện ra quân tháo gỡ bom mìn, tấn công đồng cỏ, lợp lại màu xanh trên vùng đất chết. Ông còn phát động cả huyện ra quân di chuyển những ngôi mộ nằm rải rác trên khắp ruộng đồng về các nghĩa trang tập trung để quy hoạch lại các cánh đồng. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, ông phát động ra quân làm thủy lợi với khẩu hiệu “Nghiêng sông đổ nước lên đồng/ Để cho cây lúa trổ bông ba mùa”. Ông cũng huy động hàng nghìn người tập trung vào công trường đại thủy nông Phú Ninh, tăng vụ lúa xuân hè...

Sau gần 50 năm công tác cách mạng, từ năm 1994 đến nay, ông Nguyễn Hồng Thắng nghỉ hưu, về lại quê hương Điện Bàn sinh sống. Tuy tuổi cao, ông vẫn tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ ở địa phương như làm Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện, Trưởng ban Liên lạc hưu trí Huyện ủy, Chủ tịch Hội khuyến học thị trấn Vĩnh Điện... Ở Nguyễn Hồng Thắng, cái vốn quý nhất mà các thế hệ cán bộ ở Điện Bàn luôn trân trọng là ông rất tâm huyết với quê hương, luôn theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ. Tuổi đã cập kề 80, nhưng Nguyễn Hồng Thắng vẫn còn minh mẫn, góp sức mình truyền thụ giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Điện Bàn.

PHẠM NÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xứng danh anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO