Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Quảng Nam thành công ty cổ phần. Theo quyết định này, lộ trình hoàn tất cổ phần hóa 9 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ chấm dứt vào cuối năm 2019, bao gồm: Ban Quản lý các công trình công cộng, Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật xây dựng thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2016 - 2017, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, Ban Quản lý bến xe và Trung tâm Tư vấn xây dựng thuộc giai đoạn 2017 - 2018 và trong giai đoạn 2018 - 2019 sẽ dành cho Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Trung tâm Giống thủy sản và Trung tâm Giống nông lâm nghiệp.
Có thể xem đây là bước đột phá để thay đổi, nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước, tạo động lực cho các nơi cung cấp dịch vụ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Sự thay đổi này có thành công hay không vẫn phụ thuộc vào việc chuyển hướng tư duy, chấp nhận đổi mới, hoạt động theo cơ chế thị trường. Không thể nói trước việc thành bại của những sự thay đổi này nhưng điều dễ thấy là Nhà nước sẽ tiết kiệm được chi phí và công sức trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, nhưng sẽ khó kỳ vọng về một bước nhảy vọt về lượng và chất khi vẫn còn không ít mối quan tâm khi cổ phần hóa có phải đã thay đổi hay chỉ là bình mới rượu vẫn cũ? Đó là chưa kể đến việc Sở Tài chính đã từng công bố có đến 14 đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện chuyển sang công ty cổ phần nhưng sao chỉ có 9 đơn vị sự nghiệp được chuyển hóa thành công ty cổ phần kéo dài đến 3 năm mới hoàn tất? Còn khá nhiều đơn vị sự nghiệp khác thì sao, bao giờ mới có thể tiến hành theo sự sắp xếp được cho là đổi mới này?
Theo công bố của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, toàn bộ công sản Quảng Nam sẽ được rà soát để đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư hợp tác công tư (PPP). Trong khi đó tài sản lớn nhất của các đơn vị sự nghiệp có thu ở Quảng Nam là đất đai và cơ sở vật chất. Nếu khi cổ phần hóa, nhận giao đất và giá trị quyền sử dụng đất được tính quá thấp sẽ thu hút được nhà đầu tư theo dạng hưởng lợi ngắn hạn và nếu tính quá cao, việc cổ phần hóa sẽ thất bại, kéo theo chi phí hoạt động (không còn bao cấp) sẽ trở thành gánh nặng không đơn vị nào chịu nổi. Có vẻ như chỉ những đơn vị tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi mới có thể chuyển thành công ty cổ phần! Có phải đó là do thói quen bao cấp, hưởng lợi từ ngân sách nhà nước và việc lập kế hoạch tự chủ tài chính là điều bất khả thi? Đó có phải là mấu chốt để lý giải và cân nhắc về sự khó thay đổi, chuyển dịch như mong muốn ở loại hình này? Dù biết trước sau gì việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải được thực hiện. Vì vậy, một khi các đơn vị tiến hành cổ phần hóa thất bại thì cũng nên cần mạnh dạn, nhanh chóng giải thể, xóa sổ, và cần thiết hãy để cho khu vực tư nhân đảm nhiệm vai trò của các đơn vị sự nghiệp công lập bị xóa sổ này.
NHẬT PHONG