Năm 2014, nhiều dự án giao thông huyết mạch xây dựng ở vùng đông Tam Kỳ được kỳ vọng sẽ tạo bệ phóng trong phát triển kinh tế, khai phóng tiềm năng du lịch trên vùng đất ven sông, ven biển này.
Lãnh đạo tỉnh và TP. Tam Kỳ kiểm tra tiến độ thi công cầu Kỳ Phú.Ảnh: TRẦN HỮU |
Nối sông với biển
Tuyến đường Duy Tân (Tam Kỳ) về bãi tắm Tam Thanh luôn gập ghềnh vì xuống cấp, chật chội nên dự án đầu tư 2 cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2 và thi công đường dẫn sắp sửa hoàn thành sẽ khắc phục được điểm ách tắc này. Tuy cầu đưa vào sử dụng chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, song đây vẫn là công trình trọng điểm, mở ra nhiều cơ hội cho vùng đông trong liên kết phát triển với các vùng khác trong tỉnh. Nếu tính từ điểm đầu cầu Kỳ Phú 1 (đường Bạch Đằng) chạy xuống đường dẫn của cầu Kỳ Phú 2 (khu vực cây U, phường An Phú) dài gần 1,5km khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ mặt đô thị hoàn toàn mới. Người dân không còn lo cảnh lội nước khi qua lại đoạn đường này. Theo ông Hoàng Xuân Việt – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trong bối cảnh Chính phủ cắt giảm đầu tư công, nhưng Tam Kỳ vẫn dành 310 tỷ đồng xây dựng hai tuyến cầu và hệ thống đường dẫn, vốn cho giải phóng mặt bằng là nỗ lực lớn. Dự kiến ngày 2.9 tới, hệ thống cầu Kỳ Phú 1, Kỳ Phú 2 sẽ bàn giao, đưa vào hoạt động.
Triển khai nhiều dự án lớn phục vụ mục tiêu phát triển đô thị loại 2 Theo ông Hoàng Xuân Việt – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, nằm trong chuỗi đột phá về kết cấu hạ tầng năm 2014, Tam Kỳ khởi công hàng loạt dự án lớn, phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị loại 2, như dự án 1.000 tỷ đồng cho kè đường Bạch Đằng, đầu tư 6,6km nối đường Hùng Vương xuống biển Tam Thanh. Trên hành lang này, sẽ có cây cầu bắc qua sông Trường Giang, chạy thẳng ra biển. “Hai hợp phần của dự án cải thiện môi trường đô thị Tam Kỳ sẽ đồng loạt khởi công vào tháng 7 tới, ý tưởng xích sông gần với biển sớm muộn gì cũng thành hiện thực” – ông Việt khẳng định. Đến nay, Tam Kỳ đã đạt hơn 32 (trong 49) tiêu chí của đô thị loại 2. Một số tiêu chí quan trọng như chức năng đô thị (4/7 tiêu chí), hệ thống công trình đô thị (24/30), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (1/1). Theo đánh giá chung, chất lượng đô thị, dịch vụ công ích, hạ tầng kỹ thuật, y tế ngày càng phục vụ cho người dân tốt hơn. |
Thêm vào đó, chính quyền thành phố đang khảo sát, lập dự án khả thi, chuẩn bị mở đường mới chạy thẳng từ ngã ba Bà Tá (phường An Phú) xuống giáp với đường Thanh niên ven biển qua địa bàn xã Tam Thanh. Ông Nguyễn Minh Nam - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ cho biết, trong 3 mũi nhọn đột phá của địa phương thì hạ tầng giao thông nổi lên như điểm sáng. Đặc biệt, tuyến đường nối phường An Phú với xã biển Tam Thanh được xem như công trình thực hiện đa mục tiêu, vừa mở rộng, nâng cấp “xương sống” đô thị, vừa nối gần các điểm đến du lịch với nhau. Ví như du khách trước khi đến nghỉ ngơi, tắm biển ở Tam Thanh, không thể không dừng lại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, sẽ tò mò tìm đến di tích rừng cây Bác Hồ, thăm địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng). Chỉ cần xúc tiến các dự án đầu tư thì việc bộ phận người dân vùng cát sống được với du lịch, có đời sống khấm khá nhờ mở rộng kinh doanh, dịch vụ tương lai sẽ không còn là chuyện mơ tưởng. “Phải triệt để khai thác nội lực trong dân. Hạ tầng giao thông phải được triển khai đồng bộ với các dịch vụ vui chơi giải trí, hệ thống lưu trú nhà nghỉ, khách sạn đạt chuẩn cần xúc tiến ngay. Thành phố rất cần dự án làm xoay chuyển kinh tế vùng đông, nếu muốn đưa đô thị Tam Kỳ hướng ra biển” - ông Nam nói.
Nâng cao chất lượng đô thị
Bên cạnh xây dựng cầu mới, thành phố còn mở rộng, nâng cấp đường Duy Tân cũ từ điểm đầu đường Phan Châu Trinh giáp với Bạch Đằng; lót gạch mới toàn bộ một số tuyến đường. Công tác giải phóng mặt bằng, sắp xếp ổn định dân cư đã được giải quyết kịp thời. Riêng đoạn có nhà ở từ cầu Kỳ Phú 2 về hướng đông 200m, địa phương đã chi gần 23 tỷ đồng cho 69 hộ dân hai bên đường bị ảnh hưởng. Môi trường đô thị cải thiện đáng kể nhờ đồng bộ hệ thống xử lý nước thải và các hạng mục thoát lũ hợp lý. Trước đây, hàng nghìn hộ dân, khu hành chính phường Tân Thạnh luôn chịu cảnh ngập nước, nhưng công trình kè suối Tây Yên đưa vào sử dụng năm qua đã chặn được nguồn nước chảy về vùng này. Theo ông Hoàng Xuân Việt, năm 2014 nhiều công trình xử lý nước thải, môi trường đồng loạt xây dựng tại đô thị Tam Kỳ. Bắt đầu từ tháng 5, hệ thống xử lý rác thải trung chuyển phường Hòa Hương đầu tư hơn 100 tỷ đồng; dự án thu gom nước thải toàn thành phố hơn 200 tỷ đồng sẽ khởi công. Chính quyền thành phố khẳng định, từ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, ODA, nhà tài trợ ADB, địa phương sẽ tập trung đầu tư đồng bộ các hợp phần “trị thủy”, thoát lũ phù hợp. Bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình tuyến phố văn minh, khu dân cư sử dụng nước sạch, hướng đến thành phố sinh thái sẽ được quan tâm đúng mức.
Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa nói, nhu cầu về nguồn vốn để mở rộng, nâng cấp đô thị rất lớn. Tuy nhiên, Tam Kỳ sẽ tận dụng mọi nguồn lực để giải quyết dứt điểm những dở dang của hệ thống giao thông, đầu tư khu dân cư, tái định cư, hoàn thiện hạ tầng khu du lịch bãi tắm Hạ Thanh, các hợp phần tạo cảnh quan cho đô thị. Điểm nhấn là năm 2014, chợ trung tâm TP.Tam Kỳ đưa vào sử dụng theo đúng quy hoạch, hy vọng sẽ tạo ra diện mạo văn hóa buôn bán, kinh doanh cho người dân, khắc phục tình trạng bát nháo như hiện nay.
TRẦN HỮU