Cảnh báo gia tăng bệnh đột qụy

LÊ QUÂN 25/12/2020 06:28

Các trường hợp đột quỵ xuất hiện ở lứa tuổi dưới 60 ngày càng nhiều. Theo nhận định của nhiều bác sĩ, sự thay đổi của thời tiết với những đợt lạnh kéo dài làm gia tăng người bệnh đột quỵ.

Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh sẽ hạn chế bệnh đột quỵ ở nhiều lứa tuổi. Ảnh: H.M
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh sẽ hạn chế bệnh đột quỵ ở nhiều lứa tuổi. Ảnh: H.M

Theo các chuyên gia, tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là bệnh cảnh, gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Đây là nguyên nhân tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Trong số đó, 2/3 số bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.

Người mắc... ngày càng trẻ

Tối 15.12, bệnh nhân N.T.H (44 tuổi, quê Tam Lãnh, Phú Ninh) nhập viện tại Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam với tình trạng hôn mê sâu, khai thác bệnh sử không có yếu tố nguy cơ. Sau khi được hút huyết khối thì bệnh nhân tỉnh táo và được tiến hành các phương pháp điều trị. Tương tự, anh V.H (ở TP.Tam Kỳ) được người thân đưa đến BV Đa khoa Minh Thiện trong tình trạng cơ cứng nửa phần người trái, miệng có dấu hiệu méo, nói hụt hơi. Khai thác bệnh sử được biết anh H. có tiền sử bệnh đái tháo đường. May mắn được can thiệp kịp thời, anh H. đã qua cơn nguy hiểm và tránh được các di chứng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Lương Quang - Phó Trưởng khoa Nội tim mạch cho biết, theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện nay mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt bị đột quỵ. “Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân đột quỵ không còn phụ thuộc vào lứa tuổi, có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ. Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị vỡ khiến máu chảy vào nhu mô não, hoặc khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông khiến cho dòng máu lên não bị gián đoạn, gây thiếu máu hoặc nhồi máu não. Trong vòng vài phút tế bào não bị thiếu dưỡng chất thiết yếu và oxy sẽ bắt đầu chết, quá trình này có thể liên tục trong một vài giờ tiếp theo” - bác sĩ Quang nói.

Lứa tuổi trung bình bị đột quỵ thường trên 60. Tuy nhiên hiện nay, số lượng và biểu hiện đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ. Thống kê từ Sở Y tế, trong năm 2020, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh tổ chức khám sàng lọc cho hơn 3.780 đối tượng và phát hiện hơn 1.100 đối tượng mắc bệnh tăng huyết áp, chiếm tỷ lệ 29,2%.

Bác sĩ ALăng Ty – Phó Trạm trưởng Trạm Y tế Jơ Ngây (Đông Giang) cho biết, Jơ Ngây là xã nghèo của huyện, người dân tộc Cơ Tu chiếm 80%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. “Mùa này, bệnh nhân tới khám chủ yếu bệnh khớp, tăng huyết áp, tim mạch ở người già, gần đây có nhiều người trẻ cũng bị cao huyết áp, mỗi ngày trung bình 10 - 20 người. Đây là căn bệnh do thói quen hút thuốc lá và uống rượu của bà con. Và đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ ở người trẻ” – bác sĩ ALăng Ty nói.

Lắng nghe cơ thể

Bác sĩ Quang cho biết, dựa vào dấu hiệu F.A.S.T, người dân có thể nhận biết được đột quỵ. Theo đó, Face - liệt mặt, méo miệng, Arm - yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech - nói ngọng, nói khó, Time - thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên, bác sĩ Quang khuyến cáo bệnh nhân nên tới BV trong 3 giờ đầu để điều trị kịp thời.

“Theo thống kê chỉ 10% bệnh nhân đến BV kịp trong 3 giờ đầu, 90% còn lại là tàn phế vì đến muộn. Những chia sẻ trên mạng xã hội về kinh nghiệm điều trị đột quỵ như: không được di chuyển bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại, lấy kim sắt hơ nóng và chích trên 10 đầu ngón tay cho đến khi chảy máu… là hoàn toàn phản khoa học, có thể đi ngược lại cơ chế điều trị, gây ra những tác hại cho bệnh nhân” - bác sĩ Quang nói.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, bằng các biện pháp chung là kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh van tim sẽ dự phòng đột quỵ ở người trẻ. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần thay đổi lối sống bằng bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia; tăng cường vận động thể thao; tránh bị lạnh đột ngột và căng thẳng để hạn chế bệnh đột quỵ. Những người có nguy cơ cao như đau đầu dai dẳng, huyết áp dao động, tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ có thể làm thêm các thăm khám chuyên khoa thần kinh, tim mạch, chụp phim sọ não - mạch não nhằm phát hiện các dị dạng mạch máu não chưa có triệu chứng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo gia tăng bệnh đột qụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO