Kiểm soát bệnh sốt xuất huyết

XUÂN HIỀN 03/12/2020 08:35

So với cùng kỳ năm ngoái, sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh giảm gần 60% số ca bệnh, tuy nhiên đây mới chỉ là giai đoạn đầu mùa dịch. Hiện tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, các ngành chức năng đang nỗ lực kiểm soát và khuyến cáo người dân cần đề phòng và chủ động ứng phó.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Đa khoa tỉnh. Ảnh: X.H
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Đa khoa tỉnh. Ảnh: X.H

Vào mùa dịch bệnh

Tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh, bệnh nhân điều trị SXH vẫn chiếm số lượng lớn. Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng Khoa Y học nhiệt đới cho biết, đến thời điểm này số ca mắc vẫn tăng so với ngày thường. “Hiện có hơn 20 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại khoa. So với thời điểm này năm ngoái thì số ca mắc giảm rất nhiều. Có thể mới chỉ là đầu mùa dịch” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa cho biết.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, tuy số ca mắc SXH trên cả nước có giảm, tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, vào mùa mưa, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, vệ sinh môi trường sạch sẽ; tích cực phối hợp với ngành y tế thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

TP.Tam Kỳ hiện ghi nhận số ca mắc SXH tăng với nhiều ổ dịch nhỏ. Từ đầu năm đến nay Tam Kỳ có 151 ca, riêng tháng 11 có đến 52 ca mắc SXH. Tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) có trường hợp gia đình 3 người mắc SXH. “Chúng tôi vẫn mắc màn khi đi ngủ và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, không biết nguồn lây từ đâu” - anh V. H. (người dân phường An Mỹ, là bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới) cho biết.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) thông tin, số ca mắc SXH thời điểm này năm nay trên toàn tỉnh giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2019, Quảng Nam ghi nhận có đến 6 nghìn ca mắc với 190 ổ dịch tại các địa phương. So với năm ngoái thì số người mắc bệnh đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, diễn biến của dịch SXH vẫn còn rất phức tạp. Đây là bệnh lưu hành trong cộng đồng nên cần phải theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này.

Chủ động phòng chống

Thời gian qua, CDC Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương trên toàn tỉnh tổ chức những buổi tập huấn kỹ năng, kiến thức trong việc giám sát, xử lý dịch, các kỹ năng điều trị, phác đồ chữa bệnh SXH... Đối với những địa phương xuất hiện các ổ dịch trước đây, thường xuyên kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng có thể tái dịch.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết, các ổ dịch vừa phát hiện trong năm nay đã xử lý triệt để, không để dịch lan ra diện rộng. Với những ổ dịch cũ phải thường xuyên giám sát chặt chẽ, bởi có thể tái phát ổ dịch bất cứ lúc nào. Ngoài ra, đơn vị liên kết với các cơ sở y tế, nhất là Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam để nắm bắt thông tin bệnh nhân bị mắc SXH. Qua đó có thể theo dõi bệnh nhân cũng như nguy cơ lây nhiễm hay không để kịp thời xử lý.

Hiện tại các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã tiến hành phun thuốc, xử lý những ổ dịch phát hiện tại các địa phương một cách triệt để. Theo ông Trần Văn Kiệm, những vùng nằm trong vùng nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh, đơn vị đã phun thuốc để hạn chế tối đa số ca mắc bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu trung tâm y tế huyện phối hợp với các trạm y tế xã và người dân trong cộng đồng tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống, ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm hạn chế tối đa môi trường cho muỗi sinh sống.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh SXH đang vào mùa, CDC Quảng Nam đã thành lập các đoàn thanh tra để trực tiếp đi kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.

“Chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ thuốc men cho các địa phương chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh này. Để phòng chống dịch, thời gian qua ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương theo dõi, giám sát thường xuyên, phát hiện sớm diễn biến tình hình dịch bệnh SXH để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cho các địa phương để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, ngành y tế đã phát động chiến dịch làm vệ sinh môi trường đợt 2” - ông Trần Văn Kiệm chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát bệnh sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO