Nguy cơ kháng thuốc do lạm dụng kháng sinh

XUÂN HIỀN 30/11/2020 07:54

Dự kiến từ tháng 1.2021, Bộ Y tế sẽ áp dụng việc kê đơn thuốc điện tử trên toàn quốc. Tại Quảng Nam, từ năm 2019 Sở Y tế đã thực hiện kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng kháng sinh từ việc bán thuốc không kê đơn vẫn còn xảy ra. 

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là cách để giảm tình trạng kháng thuốc. ảnh: X.H
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là cách để giảm tình trạng kháng thuốc. Ảnh: X.H

Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với chủ đề “Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta” vừa kết thúc. Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đang trở thành nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo WHO, việc sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát trong y tế và chăn nuôi càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của con người. 

Lạm dụng kháng sinh

Khi thấy người thân hắt hơi, sổ mũi..., tự cho rằng đó là dấu hiệu bị cảm cúm nên tìm đến hiệu thuốc; ho dài ngày không khỏi, đến hiệu thuốc và mang về mấy liều, trong đó chủ yếu là kháng sinh... Đến quầy thuốc tây nào dọ hỏi người mua cũng thấy hầu hết không mua thuốc theo đơn mà theo ý cá nhân. Điều này vốn dĩ lâu nay vẫn lặp lại và đã trở thành thói quen chứ không đơn thuần là sự chủ quan.

Dù đã thực hiện kết nối liên thông nhà thuốc, tuy nhiên, Quảng Nam vẫn khó có thể kiểm soát việc kinh doanh của hơn 1.090 nhà thuốc trên toàn tỉnh về tình trạng người tìm đến mua thuốc theo triệu chứng chứ không qua thăm khám và kê đơn của y bác sĩ.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ, tình trạng kháng thuốc xảy ra ở nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Không chỉ vậy, tỷ lệ kháng thuốc với từng loại vi khuẩn cũng có sự khác biệt. Kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, bởi trên thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do kháng thuốc và số tiền phải chi cho kháng thuốc lên tới hàng trăm tỷ USD. Kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng và là thách thức với việc điều trị trong tương lai. Ở Việt Nam hiện nay có 90% số thuốc kháng sinh được bán mà không cần kê đơn, dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nguy cơ không còn thuốc chữa bệnh.

 

Dược sĩ Nguyễn Văn Ngọc - công tác tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam cho biết, sử dụng kháng sinh dài ngày không đúng là nguyên nhân gây nên nhiễu loạn khuẩn, làm gia tăng một số nhiễm khuẩn bệnh cơ hội, trong đó đáng chú ý là các vi khuẩn gây bệnh như Clostridium difficil, P.aeruginosa, Acinetobacter... Sử dụng kháng sinh không đúng, không những không thể bảo vệ người bệnh mà còn làm gia tăng khả năng nhiễm khuẩn cơ hội cho người bệnh. Điều tai hại nữa là làm gia tăng tính kháng thuốc của vi khuẩn, tạo nên các chủng vi khuẩn kháng đa kháng sinh tại các BV.

Dùng kháng sinh có trách nhiệm

Những bệnh phổ biến không cần sử dụng kháng sinh đó là cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Thậm chí, các trường hợp viêm phế quản, viêm tai - mũi - họng ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn ăn uống bình thường, vẫn chơi, không có biểu hiện khó thở nặng lên… thì cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh. Thay vào đó, cha mẹ nên chăm sóc tích cực, hạ sốt bằng chườm mát, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, tăng cường uống nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng… Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, cần đưa trẻ tới BV để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp sau khi có kết luận chính xác trẻ nhiễm vi rút hay vi khuẩn.

Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, BV đã và đang triển khai mạnh vấn đề sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, trong đó siết chặt quản lý việc kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh.

“Ở đây nghĩa là có trách nhiệm với cộng đồng để làm giảm tình trạng kháng thuốc. Có những trường hợp nguy kịch, thuốc kháng sinh nào cũng kháng thì sẽ gây tử vong cho bệnh nhân. Cho nên cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là điều BV phải làm. Thêm nữa, hiện nay BV triển khai rất nhiều phẫu thuật sử dụng kháng sinh dự phòng, tức là chỉ dùng một liều trước khi mổ, sau đó không dùng nữa để cho bệnh nhân đỡ đau, hạn chế kháng thuốc. Điều thứ 3 nữa là vấn đề kinh tế y tế. Việc giảm sử dụng thuốc sẽ bảo toàn được quỹ khám chữa bệnh mà bảo hiểm giao” - ông Phạm Ngọc Ẩn nói.

Từ năm 2018, các khoa phòng của BV Đa khoa Quảng Nam đã ký cam kết với nội dung “bác sĩ kê đơn hợp lý, cán bộ y tế thực hiện tốt quy chế chuyên môn: kê đơn thuốc đúng; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý”. 

Bác sĩ Thái Bá Ba - công tác tại BV Phụ sản - nhi Quảng Nam cho biết, hiện nay Sở Y tế đã triển khai đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh, chính điều này sẽ giảm tình trạng bác sĩ kiêm dược sĩ, dược sĩ kiêm bác sĩ, và việc lạm dụng kháng sinh cũng sẽ giảm.

“Khi thực hiện quản lý bán thuốc kê đơn sẽ nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân từ người kê đơn cho đến người bán thuốc. Đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị, đặc hiệu sẽ được bán đúng người, đúng bệnh để đảm bảo sức khỏe cho người dân, hạn chế khả năng kháng thuốc do dùng kháng sinh không có chỉ định như hiện nay” - bác sĩ Ba cho biết. 

Bộ Y tế cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở nên rất nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với trẻ em, tình trạng lạm dụng kháng sinh đang ở mức báo động. Theo đó, càng ở BV tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Thậm chí đã xuất hiện những “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết loại thuốc kháng sinh hiện có nên bác sĩ phải kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ kháng thuốc do lạm dụng kháng sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO