Uống thuốc hạ sốt đúng cách sau tiêm vắc xin Covid-19

BSCKI. KIM VÂN 16/09/2021 06:12

Sốt là một trong những phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin Covid-19. Vậy có được dùng thuốc hạ sốt để đối phó với cơn sốt sau tiêm chủng?

Tiêm vắc xin COVID-19 tại CDC Quảng Nam. Ảnh: HIỂN TRÍ
Tiêm vắc xin COVID-19 tại CDC Quảng Nam. Ảnh: HIỂN TRÍ

Giống như hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng phụ, vắc xin Covid-19 cũng có các mức độ tác dụng phụ khác nhau. Tuy nhiên, tác dụng phụ của vắc xin thường chỉ là tạm thời. Các tác dụng phụ thường gặp nhất sau tiêm là đau, sưng và tấy đỏ tại chỗ tiêm, cũng có thể sốt sau tiêm.

Có nên dùng thuốc để phòng ngừa sốt?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, không nên dùng thuốc hạ sốt trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để ngăn ngừa các tác dụng phụ tiềm ẩn, vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin. Tuy nhiên, có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt khác (trừ khi có bất kỳ chống chỉ định cụ thể nào nếu phát triển các tác dụng phụ như đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ) sau khi tiêm.

Các cơ quan y tế cũng khuyến nghị việc sử dụng thích hợp các loại thuốc giảm đau, hạ sốt để điều trị các triệu chứng này sau khi tiêm chủng vắc xin Covid-19. Vì vậy, nếu có biểu hiện sốt trên 38.5 độ C, có thể dùng thuốc hạ sốt nhưng cần tuân thủ liều lượng thuốc được khuyến cáo.

Theo đó người dân có thể sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất acetaminophen (thường được biết đến với tên gọi là paracetamol) ở liều 500mg x 3 lần uống/ngày và việc sử dụng thuốc này phần lớn là an toàn ngay cả với trường hợp phụ nữ mang thai, tuy nhiên người suy chức năng gan và thận nặng cần được tư vấn của bác sĩ.

Tuyệt đối, không dùng quá liều thuốc, vì có thể gây hại gan, nguy hiểm. Nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt, cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế.

Hiện chưa có bất kỳ bằng chứng hoặc lời khuyên y tế công cộng nào cho thấy việc sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol để kiểm soát cơn sốt và cơn đau sau khi tiêm vắc xin Covid-19 có tác động đến phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn thêm.

Làm thế nào để đối phó với cơn sốt sau tiêm chủng?

Ngoài việc dùng thuốc, một số kỹ thuật tự chăm sóc có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng do phản ứng phụ sau tiêm chủng Covid-19 gây ra. Đối với các phản ứng tại chỗ tiêm, như đau hoặc sưng, sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm. Điều này cũng có thể giúp giảm đau cơ và khớp.

Để giảm bớt đau nhức hoặc cứng ở cánh tay, vận động cánh tay càng nhiều càng tốt. Việc này giúp ngăn ngừa tình trạng căng cứng bằng cách thả lỏng các cơ bị đau. Nếu bị ớn lạnh và sốt nhẹ nên uống nhiều nước để tránh mất nước. Mặc quần áo nhẹ và thoáng mát giúp tránh bị quá nóng.

Sau khi tiêm chủng, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2. Vì vậy, bạn vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng. Điều này là do vắc xin vẫn chưa có đủ thời gian để bảo vệ. Vì vậy, vẫn cần nhớ thực hiện nghiêm túc các quy định 5K để hạn chế nguy cơ này.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp cơ bản để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch dù không phải là lá chắn tuyệt đối. Bên cạnh hiệu quả miễn dịch, tiêm vắc xin còn là biện pháp giúp hạn chế tình trạng chuyển biến nặng, nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm vắc xin càng sớm càng tốt không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người trước đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Uống thuốc hạ sốt đúng cách sau tiêm vắc xin Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO