Yêu Hội An đến từng góc nhỏ

QUỐC TUẤN 14/02/2017 08:32

Những con người quê xứ khác nhau nhưng trót mang duyên nợ với phố Hội, để rồi từng ngõ phố, hẻm nhỏ... cứ ám ảnh trong từng nét cọ.

Những nghệ sĩ lang thang

Dưới cái nắng chói chang của trưa mùng Ba tết, Đức Phạm (tên thật là Phạm Minh Đức) vẫn hí hoáy tô màu chì cho bức ký họa dang dở của mình. Bên cạnh anh còn có một nhóm ba, bốn người nữa cũng đang miệt mài dán mắt vào giấy vẽ chốc chốc lại đăm chiêu, ngoái nhìn bà cụ bán hàng rong đang ngồi ở góc đường Trần Phú. Thì ra, Đức Phạm và những họa sĩ tự do khác đang làm việc trong cùng bối cảnh, một góc phố để cho ra các tác phẩm tham dự triển lãm tại Hội An vào rằm tháng Giêng này. Hỏi ra mới biết, anh và nhóm nghệ sĩ này đã lân la nhiều ngóc ngách phố Hội để sáng tác nghệ thuật suốt dịp Tết Nguyên đán.

Các họa sĩ tự do cùng miệt mài sáng tác tại Hội An trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Q.T
Các họa sĩ tự do cùng miệt mài sáng tác tại Hội An trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Q.T

Trong khi người người, nhà nhà đang tất bật trở về đoàn viên với gia đình vào những ngày cuối cùng của năm cũ thì nhóm nghệ sĩ tự do này lại í ới hẹn nhau về  Hội An ăn tết. Anh em trong nhóm nghệ sĩ nói vui với nhau, họ ăn tết ngoài đường bởi phần lớn ngày nào cũng dành gần nửa ngày để thả hồn theo từng góc phố. Đức Phạm đã 3 lần được mời đến đô thị cổ để trưng bày tranh tại các triển lãm vào năm ngoái, để rồi bị mê hoặc lúc nào không hay. Anh bảo, những chuyến đi mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo, là cách làm mới cảm xúc trong anh. Đứng trầm ngâm bên cạnh Đức Phạm là một chàng trai trẻ Lê Đức Tú (quê ở Tân Kỳ, Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế vào năm 2011, Lê Đức Tú có quãng thời gian thực tập ngắn tại Hội An. Để rồi sau này, cái xứ trầm lặng ấy lại níu chân anh, dù đi đâu, làm gì cũng phải sắp xếp ghé về. Khác với Đức Phạm và Đức Tú, nghệ sĩ Đức Bệt quê ở Hà Nội nhưng đã sinh sống và làm việc ở Hội An được 4 năm. Anh là chủ nhân của Gallery Bô Bệt tại giếng Nguyễn Thái Học và giếng Bá Lễ. Dù tranh của mình có mặt ở rất nhiều resort, khách sạn, quán cà phê… tại Hội An nhưng Đức Bệt luôn thấy là chính mình khi được sống trong không gian của con hẻm rêu phong ở thành phố bé nhỏ này. Theo Đức Bệt, sự ngăn nắp nhưng vẫn phá cách và chiều dài có hạn, dẫn ngay ra phố chính là điểm khác biệt của hẻm Hội An với hẻm Hà Nội khiến anh say như điếu đổ.

Chất riêng Hội An

Triển lãm ảnh “Góc nhỏ Hội An” do Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An phối hợp với một số nghệ sĩ tự do tổ chức cuối tuần qua; trưng bày hơn 100 tác phẩm ký họa, nhiếp ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam và các họa sĩ tự do đến từ nhiều nơi trong nước. Với triển lãm này, điều mà nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông tâm đắc nhất chính là việc nhìn thấy nét tươi mới về việc khắc họa Hội An của các họa sĩ tự do như lời ông gửi gắm: “Đúng là đô thị cổ này có vẻ đẹp bất tận và không của riêng ai. Người ở càng lâu thì càng thấm mà người vừa đặt chân đến thì lại tìm ra những chất riêng”.

Cho đến sau khi triển lãm “Góc nhỏ Hội An” được khai mạc vào cuối tuần qua, nhóm họa sĩ tự do này vẫn lom khom với “sân khấu nhỏ”. Ba chàng trai “lang thang” này tiếp tục hòa nhịp để vẽ “chay” phố phường Hội An lên một bức tranh dài theo quán tính chứ không cần nhìn mẫu vẽ. Không phải thời gian gắn bó với Hội An bao lâu mà chính tình yêu mới giúp họ nắm bắt được “cái thần” của phố cổ. Có lẽ cũng chính vì tình yêu này mà họ vẽ rất nhanh hàng chục bức tranh về Hội An. Có bức tranh chỉ vài chục phút thậm chí có bức chỉ vài phút mà rất ít khi phải vò các bức tranh vẽ lỗi.

Triển lãm chưa khai mạc đã dập dìu du khách ghé lại thưởng lãm, có người trầm trồ, xuýt xoa; có cụ bà kéo chồng mình lại cười phá lên khi mẫu vẽ tái hiện trên bức tranh hao hao đôi vợ chồng già. Lê Đức Tú chia sẻ, ấn tượng nhất với anh là người Hội An sống nhẹ nhàng và rất mộc mạc; kiểu “Nhiều hôm mình lỉnh kỉnh với phụ kiện sáng tác rồi lại ngồi lầm lầm như dân “cái bang” ngay trước quầy buôn bán của người ta hàng giờ liền mà chẳng ai xua tay, lầm bầm tiếng nào”. Dưới nét cọ của Đức Phạm, từ những điểm cao của thành phố anh chỉ cần điểm xuyết chiếc đèn lồng nhỏ nhắn vào bức vẽ là đã khiến người xem không thể lẫn Hội An với bất cứ đâu. Cũng theo Đức Phạm, Hội An có một bề ngang rất đặc biệt và nó đẹp ngay từ nền móng của những ngôi nhà trầm mặc. Nói là làm, đêm đêm, chàng trai Hải Phòng này rất hay lên thuyền rồi nằm thả mình theo sóng nước để được nhìn một Hội An nghiêng nghiêng, ảo diệu.

Để buổi triển lãm diễn ra thành công, không thể không nhắc đến Phạm Bá Chinh, người đảm nhận khâu tổ chức sự kiện này. Phạm Bá Chinh nói rằng anh đứng ra làm cũng chỉ vì quý anh em nghệ sĩ tự do và vì quý cả… Hội An. Anh bật mí thêm một chi tiết nhỏ càng khiến Hội An đẹp thêm trong giới nghệ sĩ khi nhiều nhân viên của Trung tâm Văn hóa - thể thao thành phố đã miệt mài đục đẽo từng khuôn ảnh dưới cái nắng chói chang của những ngày mới hết tết. Bất chợt lời giới thiệu của người dẫn chương trình trong phút khai mạc buổi lễ trầm trầm văng vẳng đâu đây: “Những nghệ sĩ của buổi triển lãm đợt này đều yêu Hội An hết lòng. Đối với họ, từng góc phố, từng mái nhà, kiệt nhỏ, những rêu xanh của mùa mưa dai dẳng, nụ cười của bà bán hàng rong, những chiếc bóng in trên đường phố… tất cả đều nằm trong máu thịt, đều nằm trong nhịp đập con tim của họ”.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Yêu Hội An đến từng góc nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO