Đời sống

Yêu thương... cũng cần xem lại

TRẦN TRIỀU 31/03/2024 11:53

Có những cách yêu thương rất lạ, thậm chí trái ngược nhau. Mọi thứ diễn ra phổ biến khiến người trong cuộc thấy nó là bình thường, là đúng. Nhưng khi dừng lại một nhịp, thì thấy không bình thường chút nào.

me-dep-gai.jpg
Mẹ lựa những thức ngon nhất để gửi ra phố cho con. Ảnh: C.N

Ở quê, mẹ già chọn quả trứng ngon nhất, mới nhất; chọn bó rau non nhất, sạch nhất; chọn con cá trắm to nhất dưới ao để gửi lên phố cho gia đình con trai.

Con trai dọn nhà, thay sofa mới. Con gửi chiếc sofa cũ đó về cho mẹ. Con trai đổi ti vi đời mới, nghĩ ngay đến việc gửi ti vi đời cũ về cho mẹ. Con trai đổi xe máy mới, nghĩ ngay đến việc gửi xe máy cũ về cho mẹ.

Cũng có ông bố, bà mẹ hiện đại nhưng cách thể hiện yêu thương và tôn trọng con chừng chưa đúng mực. Sinh nhật con, mẹ mua smartphone đời mới nhất, tặng lại cho con cái cũ. Bởi, mẹ nghĩ, trẻ con được dùng điện thoại cũ là may mắn lắm rồi!

Một buổi sáng cuối tuần, ông bố trẻ trịnh trọng: “E hèm, hôm nay bố xin được mời anh Bin đi ăn phở nhé. Lên đường nào!”. Cậu bé hân hoan bật dậy, leo lên xe.

Đến nơi, bố gọi một tô phở “đầy đủ”, xin thêm cái chén nhỏ và san ra cho con một phần. Ông bố nghĩ rằng mình thật chu đáo và khôn ngoan khi chỉ gọi một tô phở mà phục vụ đầy đủ cho cả hai bố con.
Tất nhiên, đứa bé cảm thấy bình thường, dù ông bố trịnh trọng mời con đi ăn một “tô phở san ra”.

Những chuyện trên, có vẻ xuôi nhưng kỳ thực rất ngược.

Trong rất nhiều ông bố, bà mẹ thương con theo thói quen, cũng có một số ít người chọn cách “lạ”.

Một ông bố khác, cũng mời cô con gái bé bỏng đi ăn phở, cũng trịnh trọng: “Này con, con nghĩ sao nếu ba mời con ăn phở sáng nay?”. Đứa con gái hào hứng thay đồ đẹp, lon ton leo lên xe. Đến nơi, ông bán phở ra vẻ rành rẽ phục vụ: “Hai cha con thì nên gọi một tô lớn, sớt ra cho con chén nhỏ”. Người cha lắc đầu: “Không anh ạ, hôm nay tôi mời con gái đi ăn phở, hãy làm cho cháu một tô nhỏ đầy đủ, mời thì phải mời cho đàng hoàng chứ nhỉ?”.

Cô con gái nhỏ cười tít mắt, ra chiều vui lắm. Sau đó, hai cha con ngồi ngay ngắn thưởng thức hai tô phở. Bé gái ăn rất ngoan, không để ba giục và ăn hết sạch sẽ. Có lẽ, bé cảm nhận được sự trân trọng mà ba dành cho mình.

Ông chủ quán đứng ngẩn ngơ từ xa ngắm hai cha con. Có lẽ, từ hôm đó, ông suy nghĩ lại về việc đối đãi với trẻ con, dù là cử chỉ nhỏ nhất.

Cũng có những cậu con trai nêu quan điểm trên Facebook rằng, từ lâu anh ấy đã thay đổi. Ti vi, tủ lạnh, máy giặt, sofa cũ, anh thải đi, bán rẻ hoặc cho ai đó khó khăn.

Riêng với mẹ, anh luôn muốn mua mới để tặng. Nếu không dư dả thì mua loại ít tiền nhưng vẫn là loại mới.

Đó cũng chỉ là vật dụng thôi, nó sẽ chóng kết thúc sứ mệnh phục vụ của nó khi “mẹ già như chuối chín cây”, chẳng mấy chốc mà rời cõi đời. Nhưng tặng mẹ những món quà mới, đứa con cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Nếu cho mẹ “đồ thải”, cho là quên luôn, chẳng nhớ gì cả. Kỳ thực, mẹ cũng lớn tuổi, không cần nhiều vật chất, dụng cụ, đồ đạc. Mẹ cần niềm vui là chính. Mà muốn có niềm vui thực thụ thì đứa con phải biết cách yêu thương một cách sâu sắc hơn.

Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “vẽ chuyện, mẹ lớn tuổi mà lại ở quê, cầu kỳ làm gì, chủ yếu đưa đồ cũ cho mẹ dùng để đỡ phí là được”. Đó cũng là một quan điểm, nhưng chúng ta thử dừng lại suy ngẫm thêm.

Mẹ của chúng ta, con của chúng ta, người thân của chúng ta là để chúng ta trân trọng, yêu thương, hay chỉ để “dùng đồ cũ cho đỡ phí?”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Yêu thương... cũng cần xem lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO