Luân canh cây màu trên đất lúa

MINH TRÍ 27/12/2019 13:21

Luân canh cây màu trên những chân ruộng kém hiệu quả, không chủ động nước tưới là hướng đi được các địa phương tích cực triển khai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và dần thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Mô hình CSA trên cây đậu phộng tại Quế Sơn. Ảnh: M.T
Mô hình CSA trên cây đậu phộng tại Quế Sơn. Ảnh: M.T

Từ sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), trong 2 vụ mùa vừa qua (hè thu 2018 - 2019 và đông xuân 2019), nông dân ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), xây dựng và triển khai nhiều mô hình đạt hiệu quả. Như tại huyện Quế Sơn, nông dân sản xuất cây đậu phộng trên đất lúa trong vụ đông xuân 2018 - 2019, kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt 25,5 tạ/ha, cao hơn diện tích đối chứng là 4 tạ/ha; tổng thu 66,3 triệu đồng/ha (mô hình đối chứng tổng thu 55,9 triệu đồng/ha. Trong khi đó chi phí sản xuất theo mô hình CSA là 33,2 triệu đồng/ha, còn mô hình đối chứng là 35,7 triệu đồng/ha.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT (chủ đầu tư Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tại Quảng Nam), mô hình CSA luân canh cây màu (cây cậu phộng và cây bắp) trên đất lúa tại các huyện Quế Sơn, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành trong năm 2019 đã đạt 60ha (vụ đông xuân 2018 - 2019 là 50ha, hè thu 2019 là 10ha), đạt 65,2% kế hoạch năm 2019 và 24,3% kế hoạch cả 2 năm 2019 - 2020. Mô hình được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của người nông dân, trong đó nông hộ tham gia đối ứng về phần vật tư, công lao động trực tiếp. Dự án hỗ trợ kỹ thuật và 100% giống và công cụ gieo hạt với mục tiêu góp phần thực hiện chủ trương sản xuất luân canh cây màu trên đất lúa của ngành nông nghiệp đang triển khai tại các địa phương.

Kết quả triển khai các hoạt động của mô hình CSA luân canh cây màu trên đất lúa đã mang lại hiệu quả tích cực. Về sâu bệnh hại, thông qua hướng dẫn nông dân tham gia mô hình áp dụng IPM sử dụng giống mới, các kỹ thuật tác động tích cực như sử dụng phân hữu cơ, phân bón cân đối đến hệ sinh thái đồng ruộng, nên tình hình và mức độ xuất hiện sâu, bệnh ở ruộng mô hình ít nghiêm trọng hơn, vì vậy số lần phun thuốc đã giảm xuống 2 lần.  Năng suất trung bình của các mô hình CSA cao hơn ngoài mô hình  đại trà 9 - 18%. So với ruộng đối chứng đạt lợi nhuận bình quân 17 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình CSA cao hơn 9,3 triệu đồng/ha, còn so với ruộng sản xuất đại trà lúa thì mô hình CSA chuyển đổi cây màu đạt cao hơn 10,8 triệu đồng/ha.

MINH TRÍ