Hương vị núi rừng

MAI LINH - GIA KHẢI 26/01/2020 07:37

(Xuân Canh Tý) - Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ở các địa phương miền núi, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến các loại thảo dược được khách hàng ưa chuộng. Khổ qua rừng, giảo cổ lam và chè dây Ra Zéh - những sản phẩm đã được “chứng nhận” là hương vị đặc trưng của núi rừng.

Sản phẩm trà khổ qua rừng và giảo cổ lam của cơ sở Hà Vy đang vươn ra thị trường. Ảnh: MAI LINH
Sản phẩm trà khổ qua rừng và giảo cổ lam của cơ sở Hà Vy đang vươn ra thị trường. Ảnh: MAI LINH

Khổ qua rừng và giảo cổ lam 

Bà Lương Nguyên Hà - chủ cơ sở sản xuất & kinh doanh Hà Vy ở thôn 1 (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cho hay, sau khi thỏa thuận với nhiều hộ dân tại địa phương về việc cung cấp nguồn nguyên liệu từ tự nhiên, cách đây hơn một năm, gia đình bà đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất trà khổ qua rừng, giảo cổ lam với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Khi đăng ký tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, cơ sở của bà Hà được ngành liên quan ở tỉnh và chính quyền huyện Nam Trà My hỗ trợ 226 triệu đồng.

Khổ qua rừng và giảo cổ lam mọc tự nhiên trong những cánh rừng và trên nương rẫy của đồng bào vùng cao Nam Trà My, được thu hái mang đến bán cho cơ sở Hà Vy.

Sau đó được rửa sạch, sấy khô bằng máy, nghiền nguyên liệu thành bột rồi đưa qua máy đóng gói thành phẩm “5 trong 1”. Mỗi hộp có 25 túi trà nguyên chất 100%. Bỏ túi trà vào ly, đổ nước sôi vào, sau vài phút là thưởng thức.

“Trà khổ qua rừng có công dụng giải nhiệt cơ thể, kích thích tiêu hóa, giúp tinh thần thư thái, đặc biệt là hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân bị tiểu đường. Trong khi đó, trà giảo cổ lam giúp con người giảm căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ...” - bà Hà chia sẻ.

Theo bà Hà, khi những sản phẩm đầu tiên ra đời, cơ sở tiến hành lập các hồ sơ, thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa mang thương hiệu Hà Vy và cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm. Đây là tiền đề hết sức quan trọng giúp cơ sở Hà Vy mạnh dạn tham gia thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh.

“Qua nhiều khâu xét chọn và đánh giá thực tế, năm 2018 trà khổ qua rừng của chúng tôi đã được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2020 này, chúng tôi tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với trà giảo cổ lam” - bà Hà nói.

Năm 2019, cơ sở Hà Vy thu mua 10 tấn khổ qua rừng và 7 tấn giảo cổ lam tươi để chế biến trà thảo dược nguyên chất 100%. Trong năm qua, cơ sở Hà Vy đã đưa ra thị trường tiêu thụ không dưới 400 hộp trà với giá bán 70 nghìn đồng/hộp.

“Để tăng nhanh sản lượng tiêu thụ 2 loại trà này, ngoài việc kết nối với các cửa hàng trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và phát triển mạnh kênh bán hàng online, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết với những trung tâm thương mại trên toàn quốc. Hiện nay, cơ sở Hà Vy phối hợp với chính quyền các xã của huyện Nam Trà My vận động và hỗ trợ người dân trồng khổ qua rừng, giảo cổ lam theo phương thức thâm canh trên những khu đất rừng, nương rẫy nhằm chủ động nguồn nguyên liệu” - bà Hà chia sẻ. 

Chè dây Ra Zéh

Với cây chè dây Ra Zéh, từ lâu đồng bào ở xã Tư (Đông Giang) và vùng lân cận xem là loại cây nhà lá vườn nhưng có thể giúp chữa được các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột với vị ngọt đắng dễ chịu mà người dân ưa dùng hằng ngày.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho rằng, địa phương có ưu thế về nguồn nguyên liệu này nên quyết định đưa cây chè dây Ra Zéh vào sản xuất hàng hóa, góp thêm hương vị của sản vật bản địa cho thị trường. Đến nay, một đề tài khoa học công nghệ về chè dây đã tiến hành xong; kết quả phân tích hoạt chất của Ra Zéh một lần nữa chứng minh công dụng của vị thuốc dân gian này.

Chè dây Ra Zéh sinh trưởng chỉ trong vòng nửa năm là có thể thu hoạch với tần suất 3 - 4 lần/năm, đạt bình quân 8 - 10 tấn tươi/ha/năm. Tuy nhiên, do khai thác ồ ạt, không nhân giống và chú ý chăm sóc nên lượng cây thuốc dân gian này bị suy giảm; việc bảo quản mang tính truyền thống, thủ công nên dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Khâu giới thiệu sản phẩm ra thị trường chưa được thực hiện, các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào bạn hàng, giá cả không ổn định...

Để giải quyết bất cập, ông Hồ Quang Minh cho biết đã giao hẳn cho HTX Nông nghiệp xã Tư làm đầu mối vận động trồng, khoanh nuôi, kết hợp thu mua cho người dân, chế biến chè dây và tiếp thị sản phẩm. Chè dây Ra Zéh cũng đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền. Sản phẩm tham gia OCOP, phát triển theo chuỗi giá trị và được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao. Thời gian qua, huyện Đông Giang đã hỗ trợ nhiều máy móc thiết bị chế biến, đóng gói cho HTX Nông nghiệp xã Tư để cho ra đời chè dây đóng hộp, chè túi lọc để người tiêu dùng có thêm lựa chọn về sản phẩm.

MAI LINH - GIA KHẢI