Làm đẹp cho... hoa

NGUYÊN THÀNH VINH 27/04/2020 11:51

Khởi nguồn chỉ là sự sáng tạo để phục vụ cho công việc kinh doanh shop hoa, nhưng khi nhìn thấy cơ hội, đôi vợ chồng trẻ ở huyện Hiệp Đức đã mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh bằng việc đầu tư vào sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để cung ứng cho thị trường kinh doanh hoa trên địa bàn tỉnh.

Những lúc rảnh rỗi, chị Ngô Thị Sương là một lao động chính tại cơ sở sản xuất giỏ hoa, đôn hoa Mỹ Thạnh. Ảnh: A.Đ
Những lúc rảnh rỗi, chị Ngô Thị Sương là một lao động chính tại cơ sở sản xuất giỏ hoa, đôn hoa Mỹ Thạnh. Ảnh: A.Đ

“Cái khó ló cái khôn”

Anh Nguyễn Công Thành - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của vợ chồng anh Lê Nho Vĩ (34 tuổi) và chị Ngô Thị Sương (33 tuổi) khá thú vị. Đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở cơ sở của anh chị thân thiện với môi trường. Chúng tôi đã có ý định sẽ hỗ trợ để mang dự án khởi nghiệp này tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” do Tỉnh đoàn phát động”.

Quen nhau rồi nên duyên vợ chồng khi cùng theo học ngành kế toán ở TP.Tam Kỳ. Thế nhưng sau này, con đường lập nghiệp của vợ chồng anh Lê Nho Vĩ (34 tuổi) và chị Ngô Thị Sương (33 tuổi) lại không liên quan nhiều đến ngành học. Anh Vĩ ra trường đăng ký nhập ngũ và gắn bó trong môi trường quân đội cho đến tận bây giờ (đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hiệp Đức). Còn chị Sương, sau khi lập gia đình thì theo chồng lên Hiệp Đức khởi sự kinh doanh shop hoa.

Công việc khá thuận lợi nên đời sống của gia đình cũng có “của ăn của để”. Anh Vĩ với bản tính cần cù, chăm chỉ, sau giờ làm việc thường xuyên tranh thủ phụ vợ trong việc kinh doanh. Với nghề bán hoa, anh chị thường phải nhập các sản phẩm thủ công như giỏ, đôn hoa… Tuy nhiên, các sản phẩm không có sẵn ở địa phương nên phải nhập từ Đà Nẵng.

“Hàng hóa cồng kềnh nên nhiều hồi xe khách họ không nhận vận chuyển. Khi đó, bao nhiêu hợp đồng, lịch đặt hoa của khách không thực hiện được khiến chúng tôi bị thiệt hại rất nhiều” – chị Sương tâm sự.

Trong “cái khó ló cái khôn”, anh Vĩ đã mày mò nghiên cứu, tự chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ việc kinh doanh hoa, mà không cần phải nhập từ Đà Nẵng.

“Ban đầu tôi làm theo các mẫu sẵn có. Sau đó, làm riết rồi thấy thú vị và sáng tạo được nhiều mẫu mới. Không chỉ phục vụ cho shop hoa gia đình mà vợ chồng tôi bắt đầu đi giới thiệu, bỏ hàng cho các shop hoa trên địa bàn” – anh Vĩ chia sẻ.

Từ những sản phẩm đơn giản, quen thuộc trên thị trường, anh Vĩ thường xuyên mày mò, nghiên cứu, học hỏi trên mạng… để tạo ra hàng chục sản phẩm khác nhau cung cấp cho thị trường các địa phương trong tỉnh. Thấy “ăn nên làm ra”, vợ chồng anh Vĩ bàn nhau thành lập Cơ sở sản xuất giỏ hoa, đôn hoa Mỹ Thạnh (thôn Mỹ Thạnh, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức). Từ nghề cắm hoa, chị Sương cũng trở thành lao động chính tại cơ sở sản xuất của mình khi có thể tự tay thực hiện từ A đến Z tất cả sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Chị nói: “Có khách đặt hoa thì cắm, rảnh thì tôi cầm cưa, cầm búa làm các sản phẩm thủ công. Công việc cũng không nặng nhọc gì, làm riết rồi quen, mà lại có thêm thu nhập”.

Muốn mở rộng quy mô

“Làm chơi ăn thật”, từ công việc phụ, nay nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang tạo ra nguồn thu lớn cho vợ chồng anh Vĩ. Trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất sản phẩm ra thị trường với trị giá khoảng 30 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Những ngày lễ thì con số này có thể gấp 2 – 3 lần. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay cơ sở sản xuất của anh chị đang thuê thêm 2 lao động (là thanh niên đồng bào thiểu số) làm việc thường xuyên, với mức lương trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Ngoài những sản phẩm thông thường làm từ mây, tre, gỗ, anh Vĩ đã nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu như bẹ chuối, lục bình… nhằm đa dạng sản phẩm, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Anh Vĩ tin rằng mình đang nắm trong tay một nghề có tiềm năng để phát triển hơn nữa.

“Với điều kiện nguồn nguyên liệu như mây, tre, ván ép… sẵn có tại địa phương, nếu chịu khó đầu tư cải tiến sản phẩm, tăng cường giới thiệu, quảng bá thì tôi nghĩ rằng thị trường sẽ không thiếu” - anh Vĩ nói.

Với suy nghĩ này, vợ chồng anh Vĩ đang dự tính mở rộng quy mô sản xuất theo hướng thành lập hợp tác xã để vừa tạo thuận lợi trong kinh doanh vừa có thể tranh thủ được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

“Hiện nay mình đang làm tốt, thị trường ổn định, nhưng không có gì đảm bảo là sau này vẫn vậy. Nếu mình không chịu đầu tư, phát triển nâng tầm thì ngày nào đó sẽ bị người khác bỏ xa. Đây là cơ hội mà tôi nghĩ nên nắm bắt” – anh Vĩ cho biết.

Nguyên liệu, lao động không phải băn khoăn, tuy nhiên nguồn vốn vẫn là bài toán khó nếu mở rộng quy mô sản xuất. Để khởi nghiệp thành công, anh Vĩ mong rằng sẽ tiếp cận được các kênh khác nhau để tranh thủ vốn nhằm mở rộng sản xuất.

NGUYÊN THÀNH VINH