Dấu ấn Lê Văn Hiến ở Kon Tum

TẠ VĂN SỸ 11/07/2015 11:32

Trong tập tạp văn “Đi đày” chép tay của mình, nhà báo Đoàn Bá Từ phác họa chân dung Lê Văn Hiến rất độc đáo (lược trích): “Với cái trán của Lénine, với cái cằm của Moussolini, và miệng cười như hoa lài …, anh Hiến đã khéo léo “trồng” cái đầu mình trên một thân hình rất nở nang cân đối. Lúc nào anh đứng nhìn thẳng lên trời để ngắm mây bay hay nhìn thinh không để suy nghĩ, đôi mắt đăm đăm, hai tay tréo sau lưng, ở xa ngó phía trên, chỉ thấy vừng trán rộng và bóng lộn như vernis tampon (đánh bóng – NV), ta trông anh có những nét quả cảm phi thường.

Vì sức mạnh của anh, vì sự dẻo dai của anh, nên mỗi lần làm việc nặng, nếu có đôi bác đồ Nho cộng tác, thì trong lúc anh cười họ phải thở hồng hộc!…

Dấu ấn Lê Văn Hiến  ở Kon Tum
Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến cùng con cháu. (Ảnh tư liệu)

Nhà thể thao ấy chỉ có một nghệ thuật: hát bội! Mỗi lần nhà hát bội ấy trèo lên sân khấu, mặc cái áo giáp, mang đôi hài cổ, đeo cái roi ngựa, đai hồng thắt lưng và cây đoản thương bên nách, tay cầm roi khẽ quất, cái chân co lên giả làm con ngựa, tôi có cảm tưởng ngồi ở một rạp hát ngoài đời và mê mải xem anh kép nhất đã được mời về đây để phô diễn những tài nghệ “con nai” của mình.

Người thù số một của anh Hiến là con diều. Người thù số hai của anh là con quạ. Người thù số ba của anh là những ông cao hứng hay đập chết gà, bởi anh là một nhà… “kê sĩ” (Lê Văn Hiến đảm nhiệm chăm sóc chuồng gà của trại tù – NV). Lần nào đội “tàu bay đen” ấy lượn trên chuồng gà rồi sa xuống đớp một con “bé yêu quý” của anh, anh dậm chân, muốn có đôi cánh rộng bay theo để giựt lại và giết chết kẻ thù. Nhưng tiếc thay, Địch Thanh không phải là Lưu Khánh, anh đành đứng dưới đất nhìn lên, nghe theo tiếng éc éc của con gà đương hấp hối và than nho nhỏ một mình rằng: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!”…

Câu ngạn ngữ ngày xưa “Đói ăn rau, đau uống thuốc” đã bị anh Hiến sửa lại là “Đói ăn rau, đau nhịn đói!”. Theo anh, không có phương thuốc thần hiệu nào bằng nhịn đói cả. Song, người anh có sự trầm tĩnh đến nỗi gặp một bịnh hiểm nghèo gì anh cũng cho “thường” cả. Té chảy máu - thường! Trật cái tay, cái chân, cái lưng, cái cổ - thường! Bị xe gỗ đưa xuống hố hồi Novembre năm ngoái, đứng giữa cầu, cầu gãy trong cuộc bắc du thăm thác Đak Zôn hôm chủ nhật 22 Juin, anh đều điềm nhiên trả lời lại sự hớt hải của anh em: “Thường. Có chi đâu!”. Người ta chỉ sợ khi gần chết anh cũng cho là thường, và lúc tắt hơi rồi cũng sẽ bình tĩnh bảo: “Có chi đâu? Chỉ đóng cái hòm tre là được!”…

Từ ngày bị “con kiếng đăng (kiến đen – NV) nó kéng (cắn)” giữa cuộc Kỷ niệm Kon Tum tối hôm 13 Décembre 1940 (kỷ niệm cuộc đấu tranh Lưu huyết của tù chính trị tại Ngục Kon Tum ngày 12.12.1931. “Kiến đen” ám chỉ viên đồn trưởng cai tù  – NV), anh Hiến bắt đầu dè dặt. Mỗi khi nói ra, anh suy nghĩ lung lắm vì sợ nó “kéng” một lần nữa thì… phỏng da.

Nhưng, thường bị ông Đồn gán cho tiếng là chỉ huy (dirigeant) và lắm lần phải thay mặt anh em để nghe những bản đàn ai oán (những lời quát mắng – NV), anh căm gan không giữ được lòng, nên hôm 2 Juin, gặp dịp, anh nói cho mọi người biết rằng những con heo của ông Đồn vì không có cơm ăn nên “dài nhèng (nhằng – NV) như con cá sấu”, trông không biết đó là con heo nữa!

Chiều thứ Bảy, 5 Julliet là buổi chiều đầu tiên đau đớn nhất của anh Hiến kể từ ngày lên ở Đak Glei. Sau sự quyết định của tối đại đa số anh em về việc làm gà, anh thấy lòng anh cơ hồ se lại, và nhìn quanh, anh chỉ gặp toàn là… kẻ thù! Bên ngoài lúc ấy gió rít mạnh, tung qua ô cửa nhỏ thấm vào tận đáy lòng, anh ôm bụng nhíu mày, rồi gật đầu, lòng khẽ bảo lòng: “… Đời là bể khổ mà trên ấy rải rác những hòn cù lao để dành riêng cho những người sung sướng!” - Những người sung sướng ấy chính là những anh đã tán thành ăn thịt gà.

Có lẽ vì sợ phải đau khổ nhiều phen, cho nên ngay hôm sau, anh Hiến liền xin từ chức làm cha nuôi mấy con gà! Và đến kỳ làm thịt, ngồi vào bàn, gặm miếng thịt đùi, anh vẫn sung sướng nói với người bên cạnh: “Thịt gà ngon thiệt!”. (Hết lược trích).

Qua “bức chân dung” trên ta thấy Lê Văn Hiến là một con người mạnh mẽ nhưng vô cùng đôn hậu, pha nét dí dỏm thông minh của người gồm đủ chất trí tuệ và tâm hồn, rất có tình cảm và tín nhiệm trong anh em.

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, và đặc biệt là ở Kon Tum, nhiều người biết đến tên tuổi Lê Văn Hiến. Giữa lòng thành phố Kon Tum đã có một đường phố mang tên Lê Văn Hiến! Là cũng bởi ông nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Những tư liệu ghi lại tiểu sử của ông (lược thuật) như sau:
Lê Văn Hiến sinh năm 1904 tại xã Hòa Hải huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lớn lên ở xã Phước Ninh (nay là phường Phước Ninh) thành phố Đà Nẵng. Tham gia cách mạng từ 1936 trong Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Bị bắt năm 1930 đày lên Kon Tum các năm 1931-1932, sau chuyển về nhà lao Quảng Nam từ 1933 đến 1935. Ngày 14.11.1937 viết xong thiên ký sự “Ngục Kon Tum” tố cáo chế độ lao tù tàn bạo của thực dân Pháp đối với tù chính trị tại đây. sách được cơ sở in ấn Sơn Trà xuất bản năm 1938, liền gây tiếng vang lớn. Vì sách ấy mà bị bắt lại năm 1939, bị giam 9 tháng ở Đà Nẵng. Ra tù tiếp tục hoạt động, đến 15.5.1940 bị bắt lần thứ 3, đày lên Đak Glei – Kon Tum, đến tháng 3.1945 được thả. Làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa (Ủy ban nhân dân cách mạng) thành phố Đà Nẵng. Cách mạng thành công, làm Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Tài chính, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Năm 1962 làm Đại sứ tại Lào đến 1976. Lê Văn Hiến mất vào năm 1997.

Ngoài ký sự “Ngục Kon Tum” xuất bản năm 1938, mãi đến năm 1993 Sở Văn hóa Kon Tum đặt viết và cho in thiên hồi ký “Trở lại Kon Tum”  của Lê Văn Hiến viết về thời gian bị giam giữ ở 2 trại tù Đak Glei và Đak Tô (từ 1940 đến 1945). Sách cung cấp nhiều chi tiết, sự kiện về mặt sử liệu quý giá ít người được biết trước đó.

Như vậy, riêng với Kon Tum, Lê Văn Hiến đã ghi dấu ấn đậm nét với việc góp mặt 2 tác phẩm rất có giá trị về sử học lẫn cả văn học. Từ sự đóng góp đặc biệt quan trọng và sớm sủa này mà mặc dù không phải nhà văn chuyên nghiệp nhưng ở Kon Tum manh nha có ý kiến muốn lấy tên ông đặt làm tên gọi cho giải thưởng Văn học nghệ thuật của tỉnh.

TẠ VĂN SỸ

TẠ VĂN SỸ