Suy nghĩ là việc của trẻ con

THIÊN THƯ 29/03/2020 14:58

Tôi từng là đứa con nít muốn trở thành một người lớn biết đăm chiêu và đầy suy tư giống ba mình. Nhiều bận tôi leo tọt lên sofa, ngồi gác chân, chống cằm và vờ suy nghĩ. Tôi cũng lò dò đi dạo chầm chậm quanh trong sân, cuốn cái lá khô vào giữa ngón trỏ với ngón giữa chỉ để “rít vài hơi” và chau mày. 

Tôi không biết vì sao ba hay trả lời “ba đang nghĩ” mỗi khi làm những hành động tương tự như vậy, và chuyện “đang nghĩ” làm tôi thấy ba như một người lớn đầy quan trọng. Nên là, nếu muốn trở thành người lớn thì cũng phải học nói “tao đang nghĩ” chứ nhỉ? À, còn không quên bày ra cái điệu bộ không quan tâm thứ gì trên đời nữa!

Đây có vẻ như là chuyện thật đáng để đám con nít trong xóm ngưỡng mộ vì một đứa trẻ như tôi còn chưa biết chữ nhưng đã biết học suy nghĩ từ người lớn. Hành trình thể hiện mình là người đang bận suy nghĩ của tôi không dài như “Dế mèn phiêu lưu ký” mà chắc chắn cũng không ngắn như việc những đứa trẻ khác hứng thú với trò gieo hạt bí. Vậy là công chuyện tỏ ra nghĩ ngợi của tôi cũng được bày ra, tôi phải nhấn mạnh là “công chuyện”, vì khi người lớn bảo họ đang có “công chuyện”, tức là họ đang làm việc gì đó quan trọng. Tôi cũng vậy. 

Nhưng ba mẹ tôi lại không quan tâm lắm việc đứa con của họ đang cố gắng chau mày đầy ưu tư, cố chậc lưỡi thật to và mút đầu ngón tay để lật cuốn tạp chí đã được xé dở. Chắc có lẽ họ đã quen với việc ném cho tôi một thứ gì đó đã cũ và mặc tôi toàn quyền ban sống ban chết cho chúng. Nhưng chuyện mẹ lôi xốc tôi vào nhà như một tên tội đồ, khi tôi đi loanh quanh trong sân vào ban trưa để ngắm ông mặt trời biết chăm chú nhìn thẳng vào xoáy đầu tôi, thì không thể chấp nhận được.

Tôi đã thấy tủi thân vì ba hay mẹ đã không lay nhẹ tay tôi, tròn mắt lên và hỏi mấy câu đại loại như “Con đang làm gì đó?” như tôi đã làm với họ. Khi ấy chắc tôi sẽ đắc ý đưa mắt lên trần nhà và bảo “Đừng phiền con! Con đang bận suy nghĩ!”. Dù gì thì tôi cũng đang làm một chuyện tốt đẹp cho ba mẹ, để họ thấy thật đáng tự hào khi tôi đã có thể biết suy tư và biểu hiện giống người trưởng thành như trong sách - lúc đó tôi cũng không biết có sách nào viết vậy không, nhưng hẳn những thứ nghe có vẻ đúng thì đều ở trong đó.

Cứ như thế, bản ngã của một đứa con nít nghĩ mình đã lớn khi đứng trước một cú vấp đầu đời đầy tổn thương vẫn không cho phép tôi ngừng bày ra muôn vàn trò khác nhau để được trầm trồ. Việc tôi có thực sự lớn hay không đối với tôi lúc đó không quan trọng bằng việc người lớn nghĩ tôi có giống họ hay không. Và việc cố gắng làm cho bản thân luôn trong cái vẻ bận suy nghĩ thì chắc không phải việc người lớn muốn làm rồi.

Tôi chỉ nhận ra điều này trong những giai đoạn sau đó của cuộc đời, khi mà có nhiều chuyện cứ lũ lượt ào tới làm phiền đứa trẻ tên “tôi” đang còn bận ăn - bận ngủ - và không còn muốn bận nghĩ. Nếu việc biết suy nghĩ làm con người ta trở nên sâu thẳm và nhọc nhằn như vậy, nếu biết bản thân đến lúc buộc phải nghĩ vì những nỗi lo lớn lên cùng số tuổi như vậy, ngày còn nhỏ tôi chỉ mặc nhiên nép dưới cánh tay ba và sẽ chẳng buồn hỏi “Ba đang làm gì đó?”.

Trong hành trình trưởng thành đó, tôi đã nhiều lần phải thật sự suy tư nghiêm túc về cuộc đời mình mà không cần vờ vịt đi quanh sân và rít điếu… lá khô. Và tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những điều khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn từ những người lớn hơn mình. Suy cho cùng, suốt cuộc đời có lẽ tôi cũng chỉ là một đứa trẻ đi học làm người lớn của những năm tháng về sau.

THIÊN THƯ