Mài viên ngọc y đức

ĐĂNG QUANG 10/08/2020 09:26

Bệnh viện C Đà Nẵng vừa được gỡ phong tỏa. Một tin vui vỡ òa không chỉ cho người Đà Nẵng mà còn cho nhiều người quan tâm theo dõi suốt thời gian qua. Dẫu biết cuộc chiến phòng chống dịch còn gian khổ phía trước, nhưng ở thời điểm hiện tại, vượt qua chướng ngại vật nào thì hãy mừng chút đã. 

Đặc biệt, các y bác sĩ Bệnh viện C có được một quãng tái tạo năng lượng sau thời gian căng thẳng, như tâm thư của bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện bộc bạch: “Mọi người hãy về với gia đình, tìm một ánh nhìn gần gũi, nghe một vài lời yêu thương, hít thở chút không khí gia đình ấm áp. Người bệnh đang chờ! Chúng ta hãy trở lại bên nhau như một gia đình, mỗi người góp một tay để cuộc chiến chống dịch Covid-19 sớm kết thúc”.

Câu chuyện của những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 sẽ còn nối tiếp bao tâm trạng như thế, khi còn nhiều điểm phong tỏa, cách ly, các bệnh viện chữa trị được phòng vệ y tế hết sức nghiêm ngặt. Đọc những dòng chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, nhiều người sẽ cảm nhận được bao nỗi bức bí đến khùng người, rằng “với ca trực 8 tiếng trong bộ đồ phòng hộ, nhiều nữ điều dưỡng của tôi đã ngất xỉu khi vừa bỏ khẩu trang. Mồ hôi như tắm tủa ra khắp người, mất nước điện giải vì có chỗ nào để đưa nước vào người được đâu”. Mà nào chỉ chuyện đó đâu, còn bao nỗi nhọc nhằn trong sinh hoạt, trạng thái lo lắng thường trực, nỗi nhớ con cái, nhớ cha già mẹ yếu ở nhà…

Bao nhiêu là thử thách, nhưng tại sao nhiều y bác sĩ vẫn muốn xung phong lên tuyến đầu khi có lời kêu gọi của Đà Nẵng, Quảng Nam? Không chỉ có những người công tác trong ngành y tại xứ Quảng, mà cả hai đầu đất nước, từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, rồi đến Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai… hàng trăm y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, cùng các chuyên gia đã tình nguyện “lên đường ra mặt trận” phòng chống Covid. Không chỉ trong nước, đoàn chuyên gia, y bác sĩ của Cu Ba đã mang thuốc thang và sẵn sàng đến giúp Việt Nam.

Tất cả họ đi vào nơi nguy hiểm, nhưng đều tình nguyện, với cảm nhận thiêng liêng về thiên chức nghề nghiệp. Như suy nghĩ “là cán bộ y tế, cá nhân tôi luôn xác định ở đâu cần thì mình có”, nên điều dưỡng Vũ Duy Hải (24 tuổi, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp) đã làm đơn xin xung phong vào xứ Quảng. Rồi các bác sĩ nam ở Hải Phòng cạo trọc tóc để quyết chí đi làm nhiệm vụ. Lý giải cho những hành động đó, không gì khác hơn là sự thôi thúc từ ý thức về thiên chức của một nghề cao quý, là sự mài giũa của ý chí vì cuộc sống cộng đồng. Viên ngọc y đức từ đó sáng lên một vẻ đẹp thấu cảm lòng người.  

Dịch giã sẽ còn kéo dài. Trong khi phòng chống Covid -19 thì còn hàng loạt ca bệnh nan y khác cần các y bác sĩ điều trị. Thật sự ấm áp khi nghe tin một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam làm việc trong khu cách ly bệnh viện đã kịp thời hiến tiểu cầu cấp cứu bệnh nhân đang điều trị trong tình trạng nguy kịch.Vậy nên, không những trên tiền tuyến phòng chống dịch mà ở bất cứ tình huống bệnh tật nào y đức luôn là điều cần phải có trước tiên. Nói như bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, là “cùng nhau nhẫn nại để mài viên ngọc sáng về lương tâm, tri thức, đạo đức, trách nhiệm của ngành y”.

Nhiều người mong chờ có thuốc điều trị Covid-19 cũng như tất cả bệnh nan y (!?), hãy nhớ rằng điều tồi tệ nhất của thuốc men là sử dụng loại này lại phải cần loại khác (Elbert Hubbard). Hơn nữa, ngay cả thuốc men được phát minh mới rất nhiều cũng không thể chữa hết bệnh nan y nảy sinh. Cho nên dấn thân vào cái nghề “công bố quá khứ, chẩn đoán hiện tại, đoán trước tương lai” (Hippocrates), khó mà dùng từ “chiến thắng”, chỉ mong là con người vượt qua với tổn thất tối thiểu nhất. Chắc chắn hành trình đó luôn cần có các vị lương y, sáng trong y đức, y tâm, y trí.

ĐĂNG QUANG