Vướng mắc từ hợp đồng thuê mặt bằng

NGUYỄN TRẦN 05/06/2020 04:39

Từ việc thuê mặt bằng đất ghi trong hợp đồng kinh tế với thời hạn lâu dài, gia đình ông Hoàng Minh Tâm đã đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình kiên cố. Tuy nhiên, gần đây đơn vị quản lý đất là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà muốn lấy lại mặt bằng nên ông Tâm phản ứng.

Công trình nhà ở kiên cố của ông Tâm xây dựng trên đất đã thuê.
Công trình nhà ở kiên cố của ông Tâm xây dựng trên đất đã thuê.

Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Hoàng Minh Tâm, thôn Sâm Lâm Tây, xã Tam Quang (Núi Thành) trình bày: Ngày 15.4.2002, giữa ông và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà có ký Hợp đồng kinh tế (không ghi số) về việc thuê diện tích đất nằm theo hướng Đông Bắc chợ Tam Quang, tiếp giáp khu cảng Kỳ Hà, với chiều rộng 10m, chiều dài 11,5m. Thời gian thuê mặt bằng lâu dài. Theo ông Tâm, mặt bằng được thuê nguyên là hố rác thải luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường. Sau khi được chính quyền địa phương cho phép, ông đã gia cố đổ đất, xây dựng nhà ở, các công trình kiên cố như nhà vệ sinh phục vụ khu chợ và việc kinh doanh.

Theo quan sát của chúng tôi, các công trình xây dựng kiên cố trên mặt bằng mà gia đình ông Tâm thuê hiện vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Khu vực này nằm sát công trình chợ cá Tam Quang đang thi công dở dang. Được biết, không chỉ cho hộ ông Hoàng Minh Tâm thuê mặt bằng mà Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà trước đây cũng cho một số hộ dân thuê mặt bằng kinh doanh làm máy xay đá, xây dựng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do quản lý đất đai lỏng lẻo, một số hộ đã lấn chiếm, cơi nới mặt bằng xuống sát sông. Tình trạng lấn chiếm đất công, làm cản trở lối đi trong chợ Tam Quang khiến nhiều tiểu thương bức xúc. Điển hình, từ năm 2012, chính quyền địa phương phải đứng ra giải quyết tranh chấp lối đi giữa các hộ kinh doanh tại đây.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Dung – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, hiện trạng đất mà hộ ông Hoàng Minh Tâm xây dựng công trình trên đất thuộc quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà  và một phần diện tích ông Tâm lấn trái phép do UBND xã quản lý. “UBND xã bây giờ rất khó can thiệp vào đất biên phòng cho hộ dân thuê mặt bằng. Lẽ ra trước đây đơn vị biên phòng không sử dụng đất thì giao lại cho địa phương quản lý” – bà Dung nói.

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, đơn vị đã nhiều lần mời hộ ông Hoàng Minh Tâm làm việc để tìm hướng xử lý, riêng năm 2020 ít nhất 3 lần mời nhưng ông đều không hợp tác. Đơn vị đang tích cực kiến nghị cơ quan quản lý cấp trên, chính quyền địa phương xem xét lấy lại mặt bằng do đây là đất quốc phòng quản lý.

Như vậy, vướng mắc lớn nhất trong thu hồi lại đất đã cho các hộ dân thuê mặt bằng kinh doanh ở khu vực chợ Tam Quang nằm ở Hợp đồng kinh tế, trong đó có nội dung thời hạn thuê lâu dài. Những điều khoản liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan ghi trong hợp đồng lại thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng.

Ông Hoàng Minh Tâm đề nghị: “Tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhưng phải được biết phương án kế hoạch sử dụng đất sau thu hồi và đơn vị phải thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ cho chúng tôi”.

NGUYỄN TRẦN