Tình nguyện ở tuyến đầu

XUÂN HIỀN – VINH ANH 06/08/2020 15:09

Cùng với sự chi viện của các bệnh viện từ Trung ương, tuyến đầu chống dịch của Quảng Nam còn có sự góp sức của lực lượng tình nguyện có chuyên môn về y khoa từ khắp các địa phương…

Lực lượng y tế tình nguyện đo thân nhiệt cho người dân tại các chốt chặn và lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng F1. Ảnh: M.C
Lực lượng y tế tình nguyện đo thân nhiệt cho người dân tại các chốt chặn và lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng F1. Ảnh: M.C

“Áo blouse” tình nguyện

Nguyễn Nhật Long, sinh viên Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam và một số sinh viên nhà trường đã lên đường cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) đến các địa bàn Quế Sơn, Điện Bàn… để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 từ ngày 4.8. Đó là ngày đầu tiên Long và các bạn “ra trận” cùng ngành y tế Quảng Nam trong hoạt động tình nguyện chống dịch. Chia sẻ với chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ ở Quế Sơn, Long cho biết đang hỗ trợ, phụ giúp cán bộ CDC Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở.

“Đi vào các địa phương có dịch, bản thân hơi lo lắng. Tuy nhiên, là sinh viên ngành y, tôi cảm thấy đây là việc làm bình thường và hết sức vui vẻ vì được đóng góp sức trẻ của mình cho cộng đồng chống lại đại dịch Covid-19” - Long nói.

 

Bà Trương Thị Xuân Trung – Phó Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc hỗ trợ nhân lực phòng chống dịch bệnh Covid-19, hơn một tuần qua, nhà trường đã vận động học sinh - sinh viên đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch. Đến nay đã có hàng trăm em tự nguyện đăng ký qua kênh Facebook, Zalo của nhà trường.

Sau khi có danh sách đăng ký, nhà trường tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho gần 100 em, chủ yếu là sinh viên các ngành điều dưỡng, xét nghiệm, dược, y sĩ… Hầu hết là sinh viên từ năm 2 trở lên, nhiều em vừa tốt nghiệp cũng tự nguyện đăng ký tham gia.

Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam có khoảng 20 sinh viên tình nguyện đi vào các “điểm nóng” để hỗ trợ CDC Quảng Nam trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Trước đó, 12 sinh viên của nhà trường, chủ yếu thuộc ngành dược sĩ đã tình nguyện tham gia công tác chống dịch tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở Điện Bàn.

 “Chia lửa” ở tuyến đầu

Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay có 30 sinh viên nhà trường lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Một số ham gia hỗ trợ các điểm chốt chặn, số còn lại đang hỗ trợ CDC Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương có dịch. Nhà trường sẵn sàng cử cán bộ, giảng viên có chuyên môn phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh khi Sở Y tế yêu cầu.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, hiện nay tại các địa phương, đặc biệt ở những “điểm nóng” về dịch bệnh, đội ngũ y tế rất cần sự chi viện không chỉ từ tuyến tỉnh mà còn tại những địa phương chưa xuất hiện các ca dương tính. Với số lượng F1 tại các địa phương xuất hiện càng nhiều, việc lấy mẫu bệnh phẩm đòi hỏi cần phải tăng tốc, vì vậy sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện có chuyên môn ở các địa phương hết sức cần thiết.

“Chúng tôi cử người để hướng dẫn kỹ thuật đặc biệt này cho lực lượng tình nguyện là sinh viên y khoa. Cùng với khâu xét nghiệm, việc theo dõi sức khỏe các đối tượng F1 hoặc thực hiện công tác y tế tại những khu vực phong tỏa hay các địa phương xuất hiện các trường hợp dương tính đang rất cần nhân lực” - ông Kiệm nói.

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, theo bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc bệnh viện, hiện có 20 y bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành từ các Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương… đến hướng dẫn và giúp sức cùng đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện. Bộ Y tế đã điều động 10 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học y Hà Nội và trước mắt là các chuyên gia về cấp cứu, hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế trong cuộc làm việc với UBND tỉnh mới đây cho biết, Bộ Y tế sẽ cử các đoàn y bác sĩ để chi viện cho bệnh viện tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Hiện tại, có 5 đội phản ứng nhanh từ các các tỉnh, thành phố lớn chi viện cho Quảng Nam và Đà Nẵng.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm hiện tại chỉ tập trung toàn lực để cứu sống các bệnh nhân. Trong khi đó, các thành viên của những nhóm phản ứng nhanh đang chi viện cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và các bệnh viện tại Đà Nẵng thể hiện quyết tâm sẽ ở lại hỗ trợ tối đa cho Quảng Nam, Đà Nẵng đến khi nào dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

XUÂN HIỀN – VINH ANH