Thơ văn chữ Hán người Quảng in ở nước ngoài

NGUYỄN HOÀNG THÂN 29/03/2020 15:01

Quảng Nam với truyền thống “Ngũ phụng tề phi”, các trí thức đất Quảng đã để lại nhiều trước tác Hán Nôm dưới thời phong kiến. Sự lưu truyền những tác phẩm này bằng nhiều kiểu thức như thủ bút của tác giả, văn bản sao chép của người khác, văn bản khắc in… Điều đặc biệt, một số tác phẩm này còn được in ấn và phát hành ở nước ngoài.  

Trang bìa Quyển 23 bộ Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành.
Trang bìa Quyển 23 bộ Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành.

Thơ văn của sứ thần

Từ hơn 10 năm trước, năm 2007, Viện Nghiên cứu Văn Sử thuộc Đại học Phúc Đán được thành lập, họ đã chú ý đến vấn đề “nhìn nhận Trung Quốc từ các quốc gia láng giềng”. Họ tiến hành hợp tác với các quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và bắt tay vào tìm kiếm, khai thác tài liệu của các quốc gia này viết về đất nước họ. Viện trưởng Cát Triệu Quang đã phải thừa nhận: “Khi đọc những ghi chép của người Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc, tôi thường có những cảm nhận đặc biệt” và nhờ đó có thể “hiểu đầy đủ đặc trưng lịch sử và văn hóa thực sự của Trung Quốc”, đồng thời hết sức khâm phục tài năng “thục luyện về văn hóa Hán truyền thống của những người Việt Nam thời phong kiến”.

Đến năm 2008, Viện này đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành chỉnh lý và ảnh ấn toàn bộ phần thơ văn đi sứ Trung Quốc của sứ thần Việt Nam, thành bộ Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (Tổng tập thơ văn đi sứ Trung Quốc của Việt Nam) gồm 25 quyển khổ lớn, mỗi quyển khoảng 500 trang, do Nhà xuất bản Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) xuất bản vào năm 2010.

Theo PGS-TS. Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, bộ sách “gồm 53 tác giả Việt Nam với 79 bộ tác phẩm”. Trong đó có những tác giả là sứ thần tiêu biểu như Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Ngô Thì Sĩ, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu… Ngoài ra còn có ít nhất 2 tác giả là sứ thần từng làm quan trên đất Quảng như Đinh Tường Phủ (giữ chức Đốc học dinh Quảng Nam, tác giả văn bia Chùa Cầu) và Đặng Huy Trứ (giữ chức Bố chánh sứ tỉnh Quảng Nam).

Tác phẩm của  Nguyễn Thuật

Điều đặc biệt, trong số 25 quyển, bộ Tổng tập dành riêng một quyển 23, hơn 300 trang, để in phần thơ văn của sứ thần người Quảng Nam là Nguyễn Thuật.

Quyển 23 gồm tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Nguyễn Thuật và tập văn “Kiến Phước nguyên niên như Thanh nhật trình” của Nguyễn Thuật cùng với Phạm Thận Duật. Đầu quyển, các tác giả biên soạn bộ Tổng tập đã giới thiệu sơ lược về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Thuật. Theo đó, “Mỗi hoài ngâm thảo” là tập thơ do Nguyễn Thuật trước tác khi làm Chánh sứ sang nhà Thanh vào năm 1880, quyển thủ có lời tựa của Trần Khải Thái (Trung Quốc) vào năm 1881. Phần chính văn chia làm 2 quyển, đại để trước tác theo hành trình đi sứ của tác giả. Những người biên soạn còn cho biết chuyến đi sứ của Nguyễn Thuật đánh dấu lần cuối cùng của việc đi sứ tuế cống trong suốt mấy trăm năm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tác phẩm Mỗi hoài ngâm thảo đã lưu lại không ít ghi chép chân thực về triều Thanh vào giai đoạn cuối như các bài thơ Ngô Châu thập thủ nói về tập tục vùng đất, hàng hóa phương Tây đưa đến phương Đông. Bức họa Hải khách cầm tôn đồ còn cho thấy sự giao lưu giữa các sứ thần Việt Nam và Triều Tiên với kẻ sĩ Trung Quốc, trở thành chủ đề trong thơ của bản thân họ.

Sau phần chính văn của tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” đến tập văn “Kiến Phước nguyên niên như Thanh nhật trình”, các tác giả biên soạn Tổng tập cũng giới thiệu sơ lược về Chánh sứ Phạm Thận Duật và những nhận xét về tập văn này. Đó là, tập văn này có nhiều bản chép khác khác nhau, nhiều vấn đề về văn bản và tác giả, giới học thuật có nhiều ý kiến khác nhau. Họ chỉ ra sự tương đồng dị biệt giữa Kiến Phước nguyên niên như Thanh nhật trình với Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (xem trình bày ở dưới), 2 bản có nội dung giống nhau, nhưng tác phẩm trước nhiều hơn tác phẩm sau là 3 bức tranh vẽ tay về Thượng Hải, Hương Cảng, Thiên Tân.

Trước đó, vào năm 1980, Gs.Chen Cheng Ho (Trần Kinh Hòa) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông (đương thời) đã tổ chức biên chú tác phẩm “Vãng Tân nhật ký” của Nguyễn Thuật và cho xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Trung văn. Điều thú vị là trong lời nói đầu của quyển sách, GS.Trần Kinh Hòa cho chúng ta biết thêm một thông tin quý báu về tác phẩm này của Nguyễn Thuật. Bản chép tay Vãng Tân nhật ký vốn được tàng thư bởi giáo sư P. Demié Ville ở Pháp, sau đó nó tiếp tục qua tay một giáo sư khác là Nhiêu Tông Di rồi mới đến tay GS.Trần Kinh Hòa. Từ năm 1977, Trần Kinh Hòa giới thiệu tác phẩm này với giới khoa học tại Hội thảo các nhà sử học châu Á lần thứ 7 ở thủ đô Băng Cốc (Thái Lan).

*
*              *

Như vậy, tác phẩm thơ văn chữ Hán của người Quảng mà cụ thể là của Nguyễn Thuật đã chí ít được in ở Hồng Kông (1980) và Trung Quốc (2010) đồng thời được phát hành, lưu truyền ở các quốc gia sử dụng chữ Hán hoặc/và nghiên cứu Trung Quốc. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã chú ý nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Thuật. Có thể nói, họ nghiên cứu về những tác phẩm này sớm và nhiều hơn so với với các nhà nghiên cứu trong nước. Thậm chí họ có những kết quả nghiên cứu không thống nhất, tạo nên sự tranh luận lâu dài. Đây chính là điều kiện để các nhà nghiên cứu thế giới quan tâm nhiều hơn đối với Việt Nam nói chung và đất Quảng nói riêng.

NGUYỄN HOÀNG THÂN