Tiếc một sân chơi

ANH SẮC 24/09/2019 14:42

Giải Bóng đá vô địch tỉnh năm 2019 Cúp Pha Din lần thứ XI vừa mang lại một không khí lễ hội cho người dân nhiều địa phương có đội bóng tham gia và đặc biệt là huyện chủ nhà Hiệp Đức lần đầu tiên đăng cai.

Một pha tranh bóng trong trận chung kết giữa Thăng Bình và Tam Kỳ. Ảnh: A.S
Một pha tranh bóng trong trận chung kết giữa Thăng Bình và Tam Kỳ. Ảnh: A.S

Đều đặn trong hơn 10 năm qua, ngành thể dục thể thao (TDTT) nỗ lực để mở sân chơi dành cho những người yêu thích và tập luyện môn “thể thao vua” có dịp được tham gia thi đấu để thể hiện khả năng của mình; đồng thời giúp người hâm mộ được xem và cổ vũ phong trào của địa phương. Bởi vậy, khi đội bóng địa phương thi đấu, bất kể đường sá xa xôi nhiều khán giả vẫn đi theo và “cháy hết mình” để động viên cầu thủ tranh tài. Thậm chí, hình ảnh cổ động viên “thưởng nóng” cho đội bóng đã trở thành một trong những nét đẹp của bóng đá phong trào xứ Quảng.

Được đánh giá là một trong những lần tổ chức thành công nhất, giải năm nay chứng kiến số lượng khán giả khá đông; còn trên sân, các cầu thủ thi đấu với tinh thần nỗ lực hết mình, vì màu cờ sắc áo, cống hiến cho người xem nhiều trận cầu hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn khá cao. Đây cũng là giải đấu có nhà tài trợ Công ty CP Pha Din đóng tại tỉnh Quảng Ngãi song khá nhiều duyên nợ với bóng đá phong trào Quảng Nam khi đồng hành trong suốt 11 năm qua. Không chỉ vậy, họ còn tạo điều kiện cho đội giành ngôi vô địch Quảng Nam giao lưu, cọ xát với đội bóng vô địch tỉnh Quảng Ngãi trong trận đấu tranh Siêu cúp Pha Din. Điều này giúp các đội bóng đều quyết tâm thi đấu để giành chức vô địch và có cơ hội đi đá siêu cúp.

Nhưng bên cạnh thành công thì điều đáng tiếc nhất của giải năm nay đó là ít có sự cạnh tranh quyết liệt do không có sự góp mặt của nhiều đội bóng. Giải vô địch tỉnh của môn “thể thao vua” nhưng chỉ có 8 đội tham gia, bên cạnh những cái tên quen thuộc gồm Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Hội An là 3 đội bóng đến từ miền núi là Phước Sơn, Nam Giang và Hiệp Đức. Phải dành lời khen cho các đội bóng miền núi khi mà điều kiện thi đấu khó khăn, trình độ hạn chế nên không “có cửa” để mang lại kết quả cao như kỳ vọng. Ngược lại, nhiều địa phương đồng bằng lại vắng mặt, trong đó khá ngạc nhiên với Núi Thành và Điện Bàn. Núi Thành trong hai năm gần đây lọt vào đến trận chung kết giải vô địch tỉnh. Lãnh đạo huyện này cũng rất tâm huyết với bóng đá, thường xuyên có mặt trên khán đài để động viên đội bóng, thậm chí thưởng nóng cho các cầu thủ. Điện Bàn cũng có phong trào bóng đá sôi động thuộc loại nhất, nhì của tỉnh. Nói chung, đây là những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh và cũng vừa tổ chức giải bóng đá huyện khá sôi nổi.

Có thể có nhiều lý do nhưng dù gì đi nữa, “đứng ngoài cuộc chơi” của tỉnh là một việc khá đáng tiếc, trong đó những người thiệt thòi nhất là các vận động viên và người hâm mộ. Có nhiều người với niềm đam mê chơi bóng sẵn sàng vượt qua khó khăn để tham gia nhằm cống hiến cho màu cờ sắc áo địa phương. Những trận đấu trước đây tổ chức tại Đại Lộc hay Hội An đều có khá đông cổ động viên đi theo cổ vũ cho đội bóng. Do vậy, tiếc cho một giải đấu được tổ chức khá quy mô nhưng ít đội bóng dự tranh. Càng tiếc hơn là nhiều địa phương tự mình tước đi cơ hội của người dân được tham gia ngày hội bóng đá lớn nhất tỉnh.

ANH SẮC