Ông chủ nhỏ của vaithun.com

MINH KIỆT 22/11/2013 11:36

(QNO) - Chỉ cần vài cú click chuột, mọi giao dịch cho hàng tấn vải thun đã được Mạc Văn Phụng - Giám đốc của vaithun.com giải quyết nhanh gọn và thuyết phục nhất cho khách hàng. Ở tuổi 27, chọn vải làm mặt hàng kinh doanh, chàng trai người Hiệp Đức đã có sự khởi nghiệp đơn giản và khác lạ hơn hàng trăm người Quảng đang buôn bán vải vóc ở khu Bảy Hiền - Sài Gòn.

Từ một đam mê

Tốt nghiệp ngành makerting Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Mạc Văn Phụng (sinh năm 1985, quê ở Quế Thọ, Hiệp Đức) cũng giống như bao người trẻ khác lao vào công việc chuyên ngành của mình bằng cách xin làm công ăn lương cho một công ty chuyên về quảng cáo, makerting ngay tại Đà Nẵng.

Mạc Văn Phụng - ông chủ trẻ tuổi của Vaithun.com
Mạc Văn Phụng - ông chủ trẻ tuổi của Vaithun.com

Nhưng chỉ 2 tháng sau, Phụng quyết định ‘ra riêng” bằng chính kiến thức non nớt mới được thực hành bằng 1 công ty chuyên về quảng cáo. Nhiệt huyết của sức trẻ đã không thể chiến thắng được sự thiếu kinh nghiệm của một người chưa từng trải. Vấp ngã đầu tiên này, chính là khoảng thời gian để Phụng nghĩ suy và tìm ra được định hương của đời mình. “Học kinh tế, nhưng tôi chưa bao giờ tự trang bị cho mình một kiến thức là sẽ áp dụng nó thực tế như thế nào. Đến khi bị quăng quật trong thương trường tôi mới nhận ra mọi chuyện trong cuộc sống này không chỉ sống trong lý thuyết. Mình đam mê cái gì? Mình có cái gì? Và mình sẽ làm như thế nào? Tôi sẽ đi theo con đường kinh doanh vải vóc của gia đình mình? Tôi sẽ lăn lộn ra chợ để chào hàng và bán từng kilôgam vải như anh chị tôi đang làm? Như một sự đưa đẩy của số phận, đó là lúc tôi nghĩ đến chuyện sẽ buôn bán vải nhưng sẽ là bán mua trên mạng internet. Một sự khởi đầu khác và mới lạ cho ngành nghề truyền thống của gia đình tôi”. Phụng chia sẻ.

Hành trang ngày lên tàu vào Sài Gòn lập nghiệp với Phụng lúc đó là tên miền vaithun.com giá rẻ được Phụng mua bằng số tiền chưa đến 150.000 đồng. Với truyền thống gia đình chuyên doanh về vải vóc ở chợ Tân Bình và khu Bảy Hiền - Sài Gòn, Phụng cũng đã quyết tâm theo đuổi ngành nghề kinh doanh này như 4 anh chị em khác trong gia đình. Tuy nhiên, chẳng lẽ học Đại học kinh tế hẳn hoi ra mà cũng buôn bán kinh doanh bằng cách ra chợ chào hàng, rồi phải chờ hàng về mới biết vải như thế nào… Chính lúc đó, Phụng đã nghĩ đến tên miền vaithun.com mình đã mua cho vui. “Thực sự lúc đó, hàng loạt các ý tưởng cứ tuôn trào trong đầu mình. Chẳng có ai buôn bán vải vóc trên mạng thì mình sẽ làm. Cái cần nhất chính là làm sao khách hàng biết đến cái tên vaithun.com và ở cái khó khăn nhất chính là sự hạn chế về mặt giao dịch điện tử. Dù thời điểm năm 2009, mua bán qua mạng đã bắt đầu manh nha mạnh mẽ, nhưng làm sao để tạo được uy tín với khách hàng? Tôi chỉ có một niềm tin duy nhất chính là: Hãy làm hết mình đến khi không còn có thể, hãy cho khách hàng thấy được vải thun của mình là tốt nhất, chất lượng quảng bá trên web như thế nào thì ngoài đời phải tốt hơn chứ không được lừa lọc khách hàng. Bán vải qua mạng, mới mẻ nhưng cũng cho tôi nhiều cơ hội và tôi biết mình tìm ra con đường của chính mình”.

Đến thương hiệu vaithun.com

Xác định khách hàng của mình không phải là khách hàng truyền thống như hàng trăm hộ đang buôn bán vải vóc ở Tân Bình, Phụng quyết tâm đầu tư phát triển thương hiệu vaithun.com theo cách của riêng mình.

Cách chinh phục khách hàng của vaithun.com được đánh giá qua từng đơn đặt hàng cứ lớn dần lên về số lượng. Hiểu được giá trị của chữ tín trong hoạt động kinh doanh, nhất là với lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử, Phụng chưa bao giờ cho phép mình phá vỡ những cam kết với khách hàng.

Nói chuyện với ông chủ trẻ tuổi này, bạn sẽ thấy sự bận rộn của một doanh nhân thực thụ. Khi cái tên Công ty TNHHSXTM&DV LaMi được hình thành cùng với thương hiệu vaithun.com được nhiều người biết đến cũng là lúc những thành công của Phụng trong ngành vải Bảy Hiền được công nhận. Điều khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa chính là với những đơn đặt hàng giá trị lên đến vài tỷ đồng, nếu người khác cần đến một đội ngũ công nhân viên trên 20 người thì Phụng chỉ cần 5 người là có thể hoàn tất mọi khâu từ chọn vải, vận chuyển, tất toán hợp đồng… “ Đã áp dụng công nghệ thông tin cho kinh doanh thì phải làm cho chuyên nghiệp. Mọi hoạt động của công ty đều được mình đồng bộ hóa và theo dõi qua các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng mình mang theo bên người. Ngay cả hoạt động của các  nhân viên tại xưởng, cửa hàng cũng được theo mình bám sát và nhắc nhở chặt chẽ. Quy trình này, mới nghe qua tuy đơn giản nhưng điều hành làm sao cho nó hài hòa và khiến nhân viên nể phục lại là một câu chuyện khác”. Phụng chia sẻ cách quản trị công ty của mình.

Ngoài kinh doanh, Phụng còn là tài trợ chính cho đội bóng đồng hương Hiệp Đức tại TP.HCM
Ngoài kinh doanh, Phụng còn là tài trợ chính cho đội bóng đồng hương Hiệp Đức tại TP.HCM

Kinh doanh vải vóc, hay nói đúng hơn, việc Phụng đang làm là buôn vải. Với hàng nghìn người Quảng ở khu Bảy Hiền - đất Sài Gòn này, suốt bao năm qua, hàng triệu mét vải đã từ đây mà tuôn về khắp bốn phương đất nước. Từ chỗ chỉ có 5,7 tiệm vải thun ở chợ Tân Bình vào những năm 2009, thì đến nay con số đó đã lên đến 100 tiệm. Vậy mới thấy được sức cạnh tranh không ngừng của nghề buôn này. Và cũng không ít gia đình đã từ đỉnh cao nhất trở về với con số 0…

Với vaithun.com, công việc của Phụng không chỉ là lấy vải, nhập vải và bán đi. “Vải cũng có vòng đời và người kinh doanh vải cũng phải nắm bắt được quy luật đó. Hơn nhau ở chỗ, bạn sẽ nhìn nhận vải nào có vòng đời ngắn để có thể đánh nhanh thắng nhanh. Với loại có vòng đời dài thì phải biết cách trữ hàng lâu dài để đảm bảo được nguồn cung của mình cho khách hàng. Bạn cũng phải biết phân tích, nhận định thị hiếu của khách hàng theo từng xu hướng để tạo ra những mẫu thiết kế cho năm tới mà không bị trùng lắp. Tôi kinh doanh theo hướng hiện đại nhưng thực sự trong lòng vẫn luôn nhủ mình có được ngày hôm nay bởi mình là người Quảng. Cái duyên nợ với tơ lụa, vải sợi đã làm nên khu Bảy Hiền nổi tiếng cả Sài Gòn và khi nhắc đến người buôn vải, người ta cũng chỉ nghĩ ngay đến người Quảng mà thôi!”

Ở tuổi 27, với vaithun.com và 5 nhân viên làm việc, mỗi năm Phụng kiếm được gần 2 tỷ đồng. Chừng đó thôi, đủ để thấy sự bắt nhịp Sài Gòn của ông chủ trẻ này thật đáng nể phục.

MINH KIỆT

MINH KIỆT