Tiếp sức cho quê hương

MINH KIỆT 15/03/2013 08:49

Đưa toàn bộ hệ thống chuyền may hiện đại về những vùng sâu vùng xa với mong muốn đời sống của người dân quê mình được đổi mới, biến rác thành dầu hay “thai nghén” hàng chục dự án khác trên quê hương… Đó là nỗ lực tiếp sức cho quê hương của những doanh nghiệp (DN) gốc Quảng. Hãy nghe tâm sự của họ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền hình cáp Sông Thu:

“Cơ hội đầu tư lớn và hiệu quả!”

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh, điều tôi nghĩ đến trước tiên: Làm gì thì làm cũng phải đem sản phẩm của mình về quê hương. Đó chính là lý do Truyền hình cáp Sông Thu có mặt sớm ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nếu tính về tính hiệu quả và thị phần tiêu dùng trong kinh doanh, lúc bấy giờ gộp dân số cả Quảng Nam – Đà Nẵng lại vẫn chưa bằng 1/3 dân số TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây lại là một chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả cho mỗi DN. Tôi hiểu rằng, đã đầu tư tại quê nhà thì phải… từ từ, mọi việc cứ phải “thấm” dần. Điều mà mỗi DN có được sau thời gian chờ đợi đó chính là sự gắn bó lâu dài giữa người tiêu dùng và DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty TNHH Thương mại- dịch vụ Tân Hiệp Phát. Ảnh: NGUYỄN HỮU SÁNG
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh phát biểu tại cuộc làm việc với Công ty TNHH Thương mại- dịch vụ Tân Hiệp Phát. Ảnh: NGUYỄN HỮU SÁNG

Nhiều DN gốc Quảng tại TP.Hồ Chí Minh thực sự rất mong muốn được đầu tư trở về quê nhà, và tôi tin chắc rằng họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng về bài toán hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hoạch định chiến lược và sản phẩm đối với những nơi như Quảng Nam, Đà Nẵng lại là việc làm thú vị hơn nhiều so với khi chúng ta thực hiện điều đó ở TP.Hồ Chí Minh. Và đến bây giờ tôi đã thấy mình có duyên nợ rất nhiều khi quyết định đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn tại Đà Nẵng. Có thể nói, những thành công ban đầu của dự án có sự góp sức rất lớn của lãnh đạo chính quyền TP.Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện cho chúng tôi được thuận lợi, nhanh chóng trong vấn đề cấp phép, xây dựng và huy động được nguồn nhiên liệu (rác) để cho ra thành phẩm dầu PO và RO… Với tư cách là một DN, tôi luôn nhìn nhận Quảng Nam - Đà Nẵng luôn là vùng đất có nhiều cơ hội đầu tư lớn và hiệu quả.

Ông Lê Trung Hoan - Chủ tịch Hội DN quận Tân Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty May Tấn Minh:

“Sẽ làm được điều mình muốn, nếu…”

Năm 2007, chúng tôi trở về quê hương với bao nhiêu lo lắng, đắn đo khi ngành may công nghiệp vẫn chưa phát triển ở Quảng Nam. Giờ đây, sau bao nỗ lực, Tấn Minh đã có được 2 nhà máy đang hoạt động hết công suất và sẽ có thêm 2 - 3 nhà máy nữa được đưa về những vùng sâu Quảng Nam. Nếu ai đó hỏi về ước vọng đối với quê hương, tôi không dám khẳng định, và cũng không thể nói đưa ngành may mặc về những vùng nông thôn là “thay áo mới” cho quê nhà. Điều đơn giản nhất tôi nghĩ là, nếu có tâm, chúng tôi sẽ đủ sức làm được điều mình muốn trên quê hương mình. Mỗi DN gốc Quảng khi về lại với quê nhà đều thấy được hình bóng những người thân quen đã từng gắn bó suốt tuổi thơ dặm dài gian khó. Niềm vui sẽ vỡ òa khi hằng ngày bạn đứng nhìn những công nhân vốn là nông dân chân lấm tay bùn có cuộc sống khá hơn, thấy diện mạo mảnh đất nơi bạn đặt xưởng may thay đổi và trở nên nhộn nhịp, sung túc hơn.

Trở về đầu tư ngay chính trên quê hương mình, tôi và nhiều DN khác vẫn tin là mình đã quyết định đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn rất khó khăn, DN vẫn cần lắm những hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Chúng tôi biết, với ngành may mặc, lợi thế chính là nguồn lao động dồi dào, sự cần cù, chăm chỉ bao đời của người Quảng. Mới đây nhất, khi nghe tin ngành may mặc được quy hoạch vào ngành chủ lực trong định hướng  chiến lược phát triển của tỉnh nhà, rất nhiều DN may mặc ở Sài Gòn rục rịch muốn về đầu tư. Bài toán kinh doanh ở đây dễ hay khó? Tôi cũng không dám trả lời thay cho bất cứ DN nào, chỉ biết rằng khi đã quyết định trở về làm ăn tại quê nhà, bạn cần nghĩ nhiều, phải có cái tâm. Bạn không cần nói, hãy để những người dân xung quanh nói DN của bạn đã trở nên quan trọng đối với họ như thế nào! Đó là thành công nhất của chúng tôi khi trở về quê.

Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy nước giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.  Ảnh: NGUYỄN HỮU SÁNG
Lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy nước giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: NGUYỄN HỮU SÁNG

Ông  Trần Quốc Hiền - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Vận tải biển Đại Dương Xanh:

“Gần lắm hành trình về quê hương!”

Mỗi cuộc hành trình, mỗi chuyến xe đi qua trên mọi miền đất nước, tôi luôn mong ước một ngày nào đó mình sẽ trở về quê nhà. Những chuyến xe của tôi sẽ chở về cho đất nghèo Thăng Bình thêm những ước mơ, những cơ hội đầu tư lớn hơn nữa. Số lượng DN gốc Quảng ở TP.Hồ Chí Minh rất nhiều, và tôi biết họ đều mong ước trở về làm được cái gì đó tại quê nhà. Tuy nhiên, vị trí địa lý và sức tiêu thụ thị trường vẫn còn nhỏ lẻ đã khiến DN e ngại khi nghĩ về chi phí vận chuyển hàng hóa.

Trong tương lai, nếu có cơ hội, tôi cũng muốn thử sức mình trong lĩnh vực vận tải tại quê hương. Trong vòng 2 năm trở lại đây, DN chúng tôi luôn nhận được sự động viên, quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, của huyện Thăng Bình… Điều này chứng tỏ quê hương luôn dang rộng cánh tay chào đón chúng tôi trở về để góp sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển, lớn mạnh của Quảng Nam. Bên cạnh đó, tôi ước mong từ nơi chính DN của mình, tôi sẽ có thể tạo ra được những giá trị khác biệt cho chính những người con đất Quảng để một ngày nào đó, họ có đủ vững tin và sự chín chắn trong thương trường. Khi đó, chính những con người này sẽ trở về và làm giàu trên chính quê hương của họ.

MINH KIỆT

MINH KIỆT