Ly hương không quên cội nguồn

NHƯ TRANG 26/02/2019 02:33

Ở xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), những người con xứ Quảng ly hương bao năm lập nghiệp và mưu sinh vẫn chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ quê. Truyền thống văn hóa và cốt cách người xứ Quảng được họ gìn giữ và vận dụng vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mới của mình.

Ông Ba Ninh cùng vợ là bà Trương Thị Nhi (quê ở Duy Xuyên) làm nghề tráng mỳ Quảng ở xã Bảo Vinh (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).  Ảnh: N.TRANG
Ông Ba Ninh cùng vợ là bà Trương Thị Nhi (quê ở Duy Xuyên) làm nghề tráng mỳ Quảng ở xã Bảo Vinh (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: N.TRANG

Vượt khó vươn lên

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, có nhiều lý do khiến những người con đất Quảng Nam tham gia vào hành trình di dân và dừng chân nơi Bảo Vinh để sinh cơ lập nghiệp. Có nhiều gia đình vào xứ này từ năm 1959, cũng có người vào từ năm 1963 hay đến tận những năm 1980 - 1997 vẫn lặng lặng ly hương để tìm nơi “đất lành chim đậu”. Dù ra đi trong khoảng thời gian nào họ cũng gặp không ít khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí cả nỗi lo được mất trên vùng đất lạ lẫm ngày nào. Gặp chúng tôi, ông Hai Phúc (quê ở huyện Quế Sơn) kể lại quãng thời gian năm 1959 cả gia đình khăn gói vào đây. Lúc bấy giờ, trận chiến đang vào giai đoạn ác liệt, tuy nhiên hai vợ chồng ông vẫn giữ nghề bán tạp hóa. Chúng tôi băn khoăn: “Tại sao lại gia đình ta vẫn cố buôn bán nơi hiểm nguy này?”. Ông Hai Phúc cười bảo: “Một phần vì muốn kiếm đồng lãi nuôi vợ con, phần để tiếp tế cho các cô chú bộ đội ở trong rừng. Khuya nào tôi cũng đợi họ ra quán, hoặc gói hàng viết giấy để sẵn, cứ rứa họ tới lấy đi!”. Giờ đây, nơi ngã 3 thời trước ông Hai Phúc bán tạp hóa còn có tên là ngã ba Phúc (hay còn gọi là ngã ba Vĩnh Biệt bởi nơi đây có quá nhiều chiến sĩ hy sinh).

Buôn bán tại xã Bảo Vinh lâu năm, hễ gặp ai là đồng hương Quảng Nam, ông Hai Phúc ngỏ lời mời tham gia vào hội đồng hương. Từ đó, ông tìm cách tư vấn, giúp đỡ họ trong thời gian chập chững vào đây. Đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó và biết chắt chiu, dành dụm, ai ai cũng không ngại ngần phát rẫy trồng lúa, bắp, khoai để có cái ăn chống đói. Rồi từ đó, họ tiếp tục khai hoang đất để trồng điều, tiêu, cao su… Có người còn học kỹ thuật chiết, ghép cây ăn quả và trồng vườn theo diện rộng. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, cứ thế chỉ bảo, động viên nhau đi qua những tháng ngày gian khó. Cụ bà Lương Thị Trung (82 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên) kể lại: “Hồi đó cơ hàn quá, ở quê chỉ toàn gió Lào và cát sỏi, chẳng biết làm gì để nuôi cả 9 đứa con. Thấy người ta đi thì mình cũng bồng con đi theo, hai vợ chồng làm rẫy và buôn bán, ngoảnh lại đã ngót nghét hơn 40 năm tròn”. Trong đáy mắt người già, hồi ức chặng đường gian nan một thuở vẫn vẹn nguyên, như chỉ mới hôm qua, như chính chất giọng Quảng chưa bao giờ phai hay đổi khác.

Làm giàu trên quê hương mới

Theo thống kê của Hội đồng hương Quảng Nam tại xã Bảo Vinh, hiện người Quảng sinh sống ở đây có hơn 650 hộ. Không chỉ làm giàu và phát triển kinh tế nơi quê hương mới, những người con xứ Quảng vẫn thường xuyên họp mặt, chung góp nguồn quỹ tương thân tương ái nhằm giúp đỡ người nghèo ở miền núi Quảng Nam.

Giữa đất trời miền Nam, người Quảng với hai bàn tay trắng dựng xây “quê hương mới” của mình. Họ vẫn giữ chất giọng, cốt cách và tinh thần xứ Quảng, cần cù lao động những mong thoát cảnh nghèo khó, nuôi con ăn học thành tài. “Biết đâu mai đây nó giàu có, tui kêu nó về Quảng Nam giúp bà con nghèo” - một lão nông tuổi thất thập nói với chúng tôi bên vườn chôm chôm sắp vào mùa hái quả. Hẳn nhờ sự cần cù trồng cây, nhà nào nhà nấy đều có từ 2 mẫu đến cả chục mẫu vườn tiêu, điều, cây ăn quả, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Năm (56 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình) lập nghiệp tại Bảo Vinh từ năm 1977 đến nay. Hai vợ chồng ông trồng tiêu, mỗi năm thu nhập 200 - 500 triệu đồng, ngoài ra bán thêm cây ăn quả và kinh doanh các mặt hàng khác nuôi các con học đến đại học. Ông Năm chia sẻ: “Nếu như bám trụ ở quê, chắc gì tôi có cơ ngơi như bây giờ? Dẫu xa quê nhưng tôi không bao giờ quên gốc gác của mình, năm nào tôi cũng đưa vợ và các con về thăm ông bà, thắp nhang tổ tiên”.

Ngược ra chợ Bảo Vinh, hỏi nhà ông Ba Ninh (67 tuổi, tên thật Đinh Ba, quê Duy Xuyên), ai cũng biết. Bởi vợ chồng ông đi di dân năm 1959 đến nay vẫn một lòng theo nghề làm mỳ Quảng, bánh tráng đập chấm mắm nêm. Món ăn đặc sản của quê hương được ông Ba Ninh làm ra và giới thiệu đông đảo cho người miền Nam. Ông Ba Ninh nói: “Hồi đó vào chẳng biết làm nghề chi, thấy người ta phát rẫy củi nhiều, sẵn làm lúa cũng trúng vụ. Rứa là hai vợ chồng dựng lò, xay thóc, xay bột tráng mỳ bán”. Trước kia, mọi công đoạn đều làm bằng tay rất vất vả, nay giảm bớt sự nhọc nhằn bởi đã có máy xay bột. Riêng cách tráng mì ông vẫn giữ nếp cũ: ngồi bên bếp lửa bằng củi và tráng từng lá mỳ bằng tay. Từ niềm yêu nghề và mong muốn đưa món ăn quê hương đến với mọi người, ông Ba Ninh đã làm cho món mỳ Quảng nổi tiếng khắp nơi, các xã lân cận cũng tìm về đây đặt hàng bán lẻ. Bình quân mỗi ngày, vợ chồng ông làm khoảng 2 tạ mỳ thu về 2 triệu đồng. Con gái của ông là chị Đinh Thị Kiều cũng sớm nối nghề cha mẹ. Chị Kiều chia sẻ: “Mẹ dặn tôi không được bỏ cách nói tiếng Quảng quê mình, càng không để món mỳ mai một. Chính vì vậy tôi quyết định theo nghề cha mẹ, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa thỏa nỗi nhớ quê!”.

NHƯ TRANG

NHƯ TRANG