Giữ hương cho tết
(QNO) - Trước những bộn bề, lo toan của cuộc sống, ngày tết cổ truyền sẽ vơi đi chút hương nếu thiếu sự giữ lửa từ mỗi miền quê, mỗi căn nhà, mỗi xóm nhỏ.
Mỗi dịp tết về, dưới cái nắng hanh hao, cái lạnh se se, những nét đẹp hồn hậu ngày tết với không khí nhà nhà quây quần soạn mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên; cùng xếp lá, gói bánh tét, bánh chưng, buộc lạt hay cảnh gia đình ngồi bên bếp lửa đỏ hồng để trông nồi bánh chưng, bánh tét chín… mãi trở thành những ký ức đẹp. Mùi nếp mới thơm lừng, bên bếp lửa hồng, tiếng trẻ cười nói rôm rả; trong bếp, hũ kiệu, củ cải trắng, hũ thịt luộc dầm mắm mẹ mới làm thơm hương vị đặc trưng của tết. Lũ trẻ mừng rơn với những bộ quần áo mới mẹ sắm, xúng xính khoe với bạn bè lối xóm là cả một khung trời ký ức. Một thời, cảnh nhà nhà gói bánh, rang nổ, rang nếp thơm lừng; cảnh người người làm mứt gừng, mứt dừa cho tết. Bánh trái ngày tết quê kiểng, muôn màu đủ kiểu được bày biện bên mâm bàn thờ tổ tiên và đãi khách.
Mỗi ngày cơ sở bà Hoa (xã Đại Cường) gói đến vài trăm bánh chưng, bánh tét cung cấp cho bà con xóm làng xa gần. Ảnh: LIÊN - PHƯỜNG |
Ở vùng Đại Lộc, cứ giữa cuối tháng Chạp, dù bận bịu cỡ nào, nhiều gia đình vẫn nổi lửa tráng bánh tráng, một thức không thể thiếu của xứ sở này. Những cái bánh tráng vo tròn nỗi nhớ, từng lăn theo những bánh xe của ngày đưa tiễn những đứa con xa quê lập nghiệp, học hành, hay là chút quà gửi tặng người thân cũng đủ ấm lòng người. Món bánh tráng cuốn thịt heo mỗi nhà thưởng thức với các loại rau, gia vị khác nhau, song đặc trưng của món ăn truyền thống này thì không lẫn vào đâu được. Dù có đi đâu, về đâu, đã là người Quảng, đã là người Đại Lộc ai mà không nhớ, không thèm món khoái khẩu này đến cháy lòng, và với tết, sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng món này.
Vớt bánh tét từ lò nấu. Ảnh: LIÊN PHƯỜNG |
Trước bao bộn bề, tất bật của cuộc sống, những cái tết đi qua cũng dần bớt vẻ rôm rả và cũng phai nhạt sắc hương. Những mặt hàng sẵn có từ thị trường, những hàng thức ăn nhanh, kẹo bánh đắt tiền, những thực phẩm công nghiệp từ các chợ, siêu thị khá bắt mắt… cũng khiến lòng người xao nhãng với những thực phẩm “cây nhà lá vườn” nơi những làng quê, miệt vườn. Song, trong biến động đó, vẫn còn có những người tìm cách giữ lửa, giữ hương cho tết; những gia đình cố gắng níu giữ tết quê, những cơ sở làm bánh tết truyền thống cũng góp phần cung ứng thực phẩm dân dã, mộc mạc cho tết như một phần hồn trong trẻo, ấm áp.
Gia đình ông Nguyễn Bình (thôn Trà Đức, Đại Tân) mấy chục năm qua vẫn lưu giữ nét đặc trưng của làng nghề truyền thống. Ảnh: LIÊN - PHƯỜNG |
Như gia đình ông Nguyễn Ca (thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân) bao cái tết trôi qua vẫn lưu giữ truyền thống sum họp, đoàn tụ gia đình bên nồi bánh tết. Bột nếp, lá chuối, lạt buộc, nhưn… được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó. Năm nào ông cũng mong ngóng con cái về đầy đủ rồi mới nấu bánh bởi đây không chỉ là một món ăn, mà nồi bánh tết gia đình là cả thế giới đời sống tinh thần, nhắc nhớ con cái ông không được quên nguồn cội, quên tết cổ truyền.
Dịp tết, hương vị đặc trưng, thơm ngon của rượu nếp Trà Đức - nơi làng nghề rượu nếp một thời vang bóng được ông Nguyễn Bình (thôn Trà Đức, xã Đại Tân) gìn giữ như một phần hồn trong trẻo của ngày xuân. Những ngày này, ông Bình nấu mỗi ngày khoảng vài trăm lít rượu nếp để phục vụ bà con láng giềng và các khách quen đặt hàng với giá khoảng 30.000 đồng/lít. Tuy thu nhập từ nghề nấu rượu nếp không cao song điều quý nhất của vợ chồng ông là giữ được hương vị, giữ lửa làng nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương mình.
Bánh tổ là thức được người dân quê ưa chuộng dịp tết. Ảnh: LIÊN - PHƯỜNG |
Đã 20 năm có lẽ, cứ mỗi dịp tết, gia đình bà Lê Thị Minh Hoa (còn gọi bà Lăng, xã Đại Cường) là nơi lưu giữ những hương vị của ngày xuân với đủ thứ bánh tét, bánh chưng, bánh tổ, bánh hột sen… vốn là những thức được nhân dân trong vùng ưa chuộng ngày tết. Mỗi ngày, căn nhà cấp bốn của bà nghi ngút khói từ các lò nấu bánh và thơm lừng mùi nếp quyện lẫn mùi lá đặc trưng. Bánh tét, bánh chưng được gói đẹp, cẩn thận bằng lá chuối hong khô, sạch sẽ, có nhưn thơm ngon không chê vào đâu được. Bánh chay, mặn đều có cả theo đặt hàng của bà con xa gần. Vớt bánh từ lò tới đâu, bà Hoa giao cho khách tới đó, ai đặt trước giao trước, uy tín trước sau như một. Nhiều bà con xóm giềng ưa chuộng những loại bánh cổ truyền do chính tay bà làm bởi nó lưu giữ nét quê hồn hậu, không sa vào tính thương mại, cạnh tranh. Khách hàng của bà chủ yếu là những người thân tín, đã nhiều năm thưởng thức. Dù có nhiều điều kiện để mở rộng phát triển, cung ứng cho thương lái đưa đi những vùng quê khác tiêu thụ, nhưng bà Hoa vẫn một mực chối từ. Với bà, chỉ cần nấu vừa đủ để giao cho những người quen, bà con làng xóm xa gần để họ cúng kiếng, thưởng thức, biếu tặng, vừa có thể sống được với nghề, vừa lưu giữ nét duyên quê là đủ. Những đòn bánh tét, gói bánh chưng, ổ bánh tổ từ tay bà làm ra phải đến với người dân quê để cúng giỗ, bày biện trên mâm bàn thờ tổ tiên hay gửi biếu người thân một cách hồn hậu, trọn vẹn hơn là trở thành một món hàng qua tay nhiều người...
Bánh vừa ra lò đã có bà con chờ sẵn để lấy cúng kiếng, làm quà biếu tặng. Ảnh: LIÊN - PHƯỜNG |
Dù tết nay có khác tết xưa, hương vị dẫu có phôi pha ít nhiều, song trong lòng người dân quê Đại Lộc, những cái tết quê đậm đà hương vị, bản sắc, những món ăn dân dã, cây nhà lá vườn luôn là nét đẹp hồn hậu, là hoài niệm đẹp trong lòng người con xa xứ. Mong rằng những cái tết quê sẽ được lưu giữ và phát huy dẫu cho dòng đời có nhiều biến đổi.
H.LIÊN - M.PHƯỜNG