Tam Kỳ trong miền nhớ

SONG NGUYÊN 05/01/2017 15:54

(QNO) - Thấm thoắt mà đã 20 năm, lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất Tam Kỳ. Đó là những ngày đầu năm 1997, khi Tam Kỳ trở thành thủ phủ của tỉnh Quảng Nam.

Sự kiện chia tách Quảng Nam và Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, với bản thân tôi nói riêng và những người trẻ nói chung, là cơ hội thuận lợi trên hành trình xin việc. Tôi về công tác tại một đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - thông tin bấy giờ. Bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc, cũng như với mảnh đất và con người Tam Kỳ, thế nhưng mọi việc dần quen nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của các anh chị đi trước.

Chợ Tam Kỳ xưa. (Ảnh tư liệu)
Chợ Tam Kỳ xưa. (Ảnh tư liệu)

Tam Kỳ những ngày đầu “ra riêng” ngổn ngang xây cất, phố xá thưa người. May mà tôi có cô bạn đồng hành. Hai đứa chung phòng, cùng là “lính mới”, cùng tuổi, cùng ưa khám phá. Sau giờ làm, dường như tối nào chúng tôi cũng đi “lùng” Tam Kỳ. Chỗ nào gần, thì đi bộ. Muốn đi xa, thì “canh me” chiếc xe honda của cơ quan, cũng có khi đồng nghiệp người Tam Kỳ thương tình cho mượn xe. Tam Kỳ nhỏ như lòng bàn tay, nhưng dễ thương thì… thôi rồi! Chọn đường Phan Chu Trinh làm tâm điểm, chúng tôi rẽ khắp ngã, chu du không sót con hẻm nào. Mới vài tháng, chúng tôi đã biết chọn cho mình quán cháo lòng hấp dẫn, quán ốc ngon, quán chè ưa thích, quán mít hông cho hương vị lạ, quán cơm gà bình dân mà ngon nhức xương, hay vài quán cà phê dễ thương vì ở đó có nhạc Trịnh. Hình như ăn hàng, dạo phố là thú đam mê con gái. Bao nhiêu hàng quán, tôi gom vào bộ nhớ. Đồng lương công chức tập sự, vì thế cũng chỉ đủ nuôi… cái miệng. Gắn bó với Tam Kỳ không lâu, nhưng tất cả những gì thuộc về Tam Kỳ đã trở nên gần gũi, thân thương. Việc rời Tam Kỳ từng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, thậm chí đó là quyết định sai lầm. Đúng là, có những nơi không nhất thiết phải gắn bó lâu dài, mới để lại cảm xúc nhớ nhung. Đôi khi chỉ cần chạm lên mảnh đất lạ, bàn chân đã bị níu kéo bởi những điều khó gọi tên. Tam Kỳ, với tôi không ngoại lệ, thân thương ngay từ những bước chân lạc lõng đầu tiên!

Có những đêm, bạn chở tôi lên tận Tam Thái, vào Tam Xuân, hay xuống biển Tam Thanh. Đi để khám phá, hóng gió, hay để giết thời gian, không cần biết lý do. Hễ muốn đi là đi. Nhờ thế giờ đây, mỗi khi ai đó gợi nhắc Tam Kỳ, tôi có cả kho ký ức, bày ra mà "nhấm nháp" hay khoe khoang rằng, tôi cũng là một trong những người tiên phong “khai phá” Tam Kỳ vào những ngày đầu thị xã bé nhỏ này trở thành tỉnh lỵ (hồi ấy Tam Kỳ còn là thị xã).

Ở Tam Kỳ, tôi sống tập thể. Nhà tập thể dành cho những ai chuyển từ Đà Nẵng vào, hoặc từ các huyện về. Chiều cuối tuần, nhà tập thể vắng hoe. Tôi vẫn nhớ, cứ mỗi chiều thứ Bảy (khi ấy vẫn còn làm việc ngày thứ Bảy), các anh chị đồng nghiệp nhìn nhau đọc vang câu “Chiều thứ Bảy máu chảy về tim”. Có lẽ chẳng câu từ nào diễn tả sự gặp gỡ giữa vợ chồng sau một tuần xa cách vừa dễ thương, vừa tràn đầy cảm xúc, vừa cần thiết và gấp gáp như câu ấy. Và thật khó quên ký ức sáng thứ Hai, hay mỗi chiều thứ Bảy, công chức đón xe buýt ở các trạm dọc quốc lộ 1. Chỉ cần nhìn bộ đồ công sở, với cái cặp táp trên tay, là biết họ trở về  với gia đình. Xe buýt đầu tuần và cuối tuần luôn đông đúc hơn ngày thường, bởi lực lượng công chức khá hùng hậu này.

Đô thị Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị Tam Kỳ hôm nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhắc về Tam Kỳ, có quá nhiều điều để nói, nhiều đến nỗi chẳng biết bắt đầu từ đâu! Có lẽ phải nhờ đến bài hát “Tam Kỳ khúc hát yêu thương” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, như là cách “thay lời muốn nói” giúp tôi vậy! Thú thật, tôi là người Đại Lộc, mà phải ghen với người Tam Kỳ, vì có một nhạc sĩ người Đại Lộc viết về Tam Kỳ với giai điệu sâu lắng và ca từ thấm đẫm cảm xúc: “Tam Kỳ, mùa xuân như đã mang bao yêu thương về đây trải rộng. Cánh đồng, rừng dương, biển cả, con kênh trôi xa, trời nước bao la. Tam Kỳ chiều qua thị xã, tôi bỗng ngỡ ngàng giữa bao phố xá. Công trường, đường mới thênh thang, nhịp sống hôm nay rộn ràng...”

Đã lâu, tôi chưa có dịp ghé lại Tam Kỳ. Xe chạy ngang, thấy phố xá thênh thang, những hàng sưa vàng thơm và rực rỡ như làm duyên thêm từng con phố. Tôi vẫn quen gọi Tam Kỳ là thị xã khiến bị bạn bè nhắc nhở hoài: Tam Kỳ “lên đời” lâu rồi, là thành phố hẳn hoi đấy, kiêu sa như cô gái đôi mươi, chứ không còn “dậy thì” như ngày nào nữa đâu!

Hai mươi năm hay dài hơn nữa, với tôi Tam Kỳ vẫn vẹn nguyên cảm xúc ban đầu: bình dị, gần gũi, dễ thương. Ở Sài thành, tôi vẫn “hóng” Tam Kỳ qua từng trang báo, hay lời bạn kể, và tưởng tượng một Tam Kỳ thật duyên dáng qua ký ức chủ quan của chính tôi.

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN