Về quê

SONG NGUYÊN 16/05/2015 16:05

(QNO) - Chúng tôi về quê nhân giỗ ba, thăm mẹ già. Lúc xe chuẩn bị vào làng, chị tôi bảo thích được đi cổng làng ngày xưa, nơi ghi dấu những kỷ niệm tuổi thơ, nhưng mấy anh em tôi lại muốn đi con đường mới mở, vì đường rộng rãi, lại gần nhà. Nhìn ánh mắt tiu nghỉu của chị, cuối cùng chúng tôi quyết định về làng bằng cổng chính.

Đường làng luôn gợi nhiều kỷ niệm cho người đi xa. Ảnh: Internet.
Đường làng luôn gợi nhiều kỷ niệm cho người đi xa. Ảnh: Internet.

Con đường làng tuy hẹp nhưng rợp bóng cây. Đường quanh co và nhà cửa san sát. Thích nhất là đoạn từ cổng ngõ vào, hầu như nhà nào cũng có hai hàng chè tàu thẳng tắp. Được biết, từ ngày có thêm con đường mới mở, từ xe máy tới taxi đều giã từ con đường làng có nhiều khúc cua, mà bất kỳ ai đi ngang cũng phải dè chừng. Chị tôi rất ấn tượng với khúc cua ngặt ngay hội trường thôn, vì bên trái có xưởng mộc nho nhỏ của ông Chín, nơi mà mỗi khi ngang qua, đều nghe mùi thơm của dăm bào. Phía bên phải là nhà người yêu cũ của chị.

Nhớ ngày con đường làng chưa được bê tông hóa, sình lầy, chỉ có đoạn từ hội trường thôn ra quốc lộ là tương đối khô ráo, nên nhà người cũ của chị là điểm tập kết xe máy của cả làng. Mỗi lần chị em tôi vào gửi xe, anh còn dẫn ra giếng múc nước rửa chân. Hôm đi ngang nhà anh, chị tôi cứ liếc mắt vào như thể tìm kiếm thứ gì đã mất. Chị kể ngày xưa ngay khoảnh đất trống sát cổng làng, người ta đưa phim màn ảnh rộng về chiếu, mấy đoàn pê đê về biểu diễn khiến ai nấy đều lo cơm nước sớm đi xem như trẩy hội. Không phủ nhận con đường mới mở rộng rãi, khang trang, nhưng với chị em tôi, con đường làng ngày xưa trở thành một góc kỷ niệm khó phai trong ký ức mỗi người.

Về quê chừng tuần lễ, sáng nào chị tôi cũng dậy thật sớm dành phần quét sân. Mỗi lần quét xong chị đều bảo “đã quá”. Cái sân nhà tôi rộng lắm, lại nhiều cây xanh, lá rụng đầy, còn phải quét cả ngoài ngõ. Ngày còn con gái, quét sân là nhiệm vụ của chị. Bây giờ sống ở thành phố, trong cái nhà hộp không có sân vườn, muốn quét sân cũng đành chịu. Nên mấy ngày ở quê, chị dậy thật sớm, chừng như sợ ai đó dành phần quét sân. Chị bảo dù vườn nhà rộng, nhưng nhờ mặc định trong đầu từ thời con gái, nên vừa cầm cây chổi, chị quét từ góc ảng nước ngoài vườn quét ra. Cây chổi tàu cau nhịp nhàng trong tay chị, chẳng mấy chốc sân nhà bóng bẩy sau một đêm lá rụng đầy.

Mẹ tôi đã già, bắt đầu lẩm cẩm. Chúng tôi muốn thay đổi những vật dụng trong nhà cho gọn gàng, hợp lý, nhưng bị mẹ rầy. Mẹ bảo các con chỉ về mấy ngày rồi đi, những vật dụng mẹ cất ở đâu, chỉ cần nhắm mắt, mẹ cũng sờ mó được, nên tuyệt đối không được dịch chuyển. Vì thế, muốn lấy cái gì cũng phải đi tìm, hết đứa này gọi “mẹ ơi” để hỏi, rồi tới đứa khác. Chị tôi còn khuyến khích gọi mẹ nhiều nữa đi cho đã, kẻo mai mốt mẹ không còn nữa thì có muốn gọi cũng chịu. Về quê, chị tôi tranh thủ làm những điều mà lúc xa quê luôn ấp ủ. Ngay cả buổi sáng trước lúc trở về Sài Gòn, ngoài chuyện quét sân, chị ra sau vườn hái cho mẹ mớ lá trầu, rồi chạy xe ra chợ mua thức ăn dự trữ tủ lạnh, dọn dẹp nhà cửa thật tươm tất, để mẹ đỡ nhọc nhằn lúc nào, con cái vui lúc ấy.

Chúng tôi trở lại thành phố, mang theo biết bao kỷ niệm quê nhà. Xe chạy ngang qua khúc cua hội trường thôn, mấy chị em không ai bảo ai, liếc mắt vào nhà người cũ ấy. Ngôi nhà vắng lặng. Phía đối diện, ông Chín thợ mộc đang cong lưng bào gỗ. Những hàng chè tàu hai bên đường thẳng tắp. Cảm giác thật bình yên mỗi khi trở về quê mẹ.

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN