Mùi khói hương ngày tết

SONG NGUYÊN 18/02/2015 14:32

(QNO) - Tết đến xuân về, mùi khói hương bắt đầu phảng phất...  

Thường vào hai bảy, hai tám tết, ba tôi đốt các chân hương cũ, cho thêm cát vào lọ hương, sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên tươm tất, sáng sủa. Từ chiều ba mươi tết, khói hương trong nhà bắt đầu nghi ngút. Ba tôi bảo nhà mình vừa “rước” ông bà về đón tết, thì không nên để bàn thờ lạnh lẽo. Hương được thắp liên tục suốt ba ngày tết, cho đến khi làm lễ cúng “đưa” ông bà, thì mọi sinh hoạt mới trở về thường nhật. Lạ là, cũng mùi hương khói ấy, nhưng hương khói trong những ngày tết cho cảm giác lạ hơn, ấm áp hơn ngày thường.

Dịp tết cúng kiếng nhiều. Khách tới nhà ba ngày tết, ai cũng đến bên bàn thờ đốt mấy nén hương với lòng thành kính, nên cuối năm mẹ phải mua thật nhiều hương. Hương được để trong những chiếc lọ đồng thật lớn, ngay trên bàn thờ gia tiên. Thắp hương ngày tết tỏ lòng thành kính ông bà tổ tiên, trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu trong những ngày chào đón năm mới. Những ngày này, nhà ai hương khói đủ đầy, sẽ cho không khí trang trọng, ấm cúng.

Còn nhớ, ngay khi hương vừa tàn, ngay cả trẻ nhỏ như tôi ngày ấy cũng được quyền đến bên bàn thờ thắp lên những nén hương mới. Trẻ con cũng có thể vái lạy, cầu nguyện những điều mình mong ước trong dịp tết.

Ba tôi là con trai trưởng, việc hương khói ông bà, ba rất lưu tâm. Ba ngày tết, ngày nào cũng phải cúng cơm ba bữa, nên người vất vả nhất là mẹ. Ở nhà bếp, mẹ nấu nướng, sửa soạn đầy đủ để ba chuẩn bị cúng cơm. Nhìn ba tôi cầm mấy nén nhang rì rầm khấn vái, cảm giác khói hương như là sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống của gia đình mình với đất trời, là cầu nối giữa con người ở trần gian với thần thánh, ông bà, tổ tiên nơi miền cực lạc. Sau khi hương được thắp lên, ba mới yên tâm, vì theo ba đấy là lúc ông bà chấp nhận lời mời về dự cỗ.

Có nhiều loại hương thơm khác nhau, nhưng mẹ tôi chỉ có sự lựa chọn duy nhất là gỗ hương liệu từ trầm. Mẹ đi tìm nhà người quen chuyên sản xuất hương để mua loại hương tuy ít thơm nhưng có mùi tự nhiên, không tẩm hóa chất. Ngày trước, hương chủ yếu được làm thủ công, cây hương nhỏ, chắc, đượm, thơm dịu. Bây giờ hương đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc. Nào hương khoanh, hương cây to, dài... nhưng tất cả đều có nhiệm vụ kết nối người sống với kẻ khuất mặt, để những ngày đón xuân mới, hương lan tỏa ngào ngạt trong không gian ấm cúng, nhắc nhớ con người về quê hương, nguồn cội, về trách nhiệm với gia đình, dòng tộc.

Ngày mùng một tết, ngoài các lễ vật quen thuộc kính lễ ông bà ở nhà thờ tộc, mọi người thường mang theo bó hương nho nhỏ để khấn vái, bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Khi người lớn vái lạy, đám trẻ con dù đang hò reo vui đùa, không bảo nhau tất cả đều im lặng chờ đợi giây phút trang trọng ấy qua đi, mới tiếp tục bày trò. Bất cứ lúc nào, khi thấy người lớn cầm nhang trên tay, tôi luôn ý thức họ đang cầu nguyện điều gì đó, hay có vấn đề về tâm linh cần được giãi bày, và mấy cây hương là cầu nối duy nhất để con người ở hai thế giới khác nhau “gặp” được nhau.

Tết sắp về. Chưa chạm mùi khói hương mà đã cay xè đôi mắt...  

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN