Chợ quê mấy nẻo
Lần đầu tiên tôi theo mẹ đi chợ làng là vào năm lên bảy tuổi. Trong ký ức tôi lan man kỷ niệm về buổi sáng hôm ấy. Trên vai mẹ tôi kĩu kịt gánh rau lang cắt từ chiều hôm trước, lá xanh mướt ướt rượt đến mát mắt. Tôi lon ton bên mẹ bằng những bước chân ngắn ngủn. Một tay mẹ vịn đòn gánh giữ thăng bằng, tay kia dắt tôi đi. Cùng trên đường có rất nhiều bà, nhiều cô quảy gánh, bưng rổ đi chợ như mẹ. Tôi nhận ra người quen, bà con trong xóm. Những lời chào, câu hỏi thăm, tiếng cười nói râm ran làm ấm áp không gian con đường đến chợ. Rồi nhiều năm sau đó, tôi lớn lên, như mây ngàn phương, rong ruổi đường đời, đôi chân chai mòn đã từng nhiều thời gian đi qua những nẻo chợ quê…
Ảnh minh họa. Ảnh: Phương Thảo |
Theo lời người già kể lại, chợ Hà Tân có từ rất sớm, là khu chợ đóng vai trò giao thương hàng hóa quan trọng, huyết mạch trên vùng Lộc Thượng từ đầu thế kỷ XX. Nghe đâu vào những năm cuối của thế kỷ XIX, khi người Pháp cho làm quốc lộ 14 từ Ái Nghĩa đi về phía tây để giáp với Trường Sơn. Đến Hà Tân, đường chia hai ngả: một rẽ về An Điềm đến Bến Hiên; một theo dọc sông Vu Gia lên giáp với Giằng. Và cũng từ đây, ngay ngã ba con đường mới, người ta cho xây dựng khu chợ sầm uất để tập hợp bán buôn cả một vùng rộng lớn, chợ Hà Tân ra đời từ đó. Vậy tính đến nay đã tồn tại hơn 100 năm.
Cũng như những khu chợ làng khác trên nhiều vùng quê có “sông ngăn núi dựng”, chợ Hà Tân cũng “trên bến dưới thuyền”. Mạch nối giao thương trao đổi hàng hóa ngày xưa đều nhờ vào các ngả đường thủy; đường bộ đóng vai trò thứ yếu. Hàng hóa trong chợ trao đổi hàng ngày chủ yếu là nông sản của người dân quanh vùng. Những bà mẹ quê với buồng cau, nải chuối, bó rau trong vườn nhà; con tép con tôm nơi rộc ruộng; con vịt, con gà chăm bẵm chốn vườn ao. Ngoài thổ sản địa phương, hàng ngày những chuyến ghe bầu từ phía xuôi như Vĩnh Điện, Hội An… giăng buồm theo gió ngược sông về đến bến chợ nơi chân cầu Hà Tân với các thứ vải vóc, hàng hóa tiêu dùng đủ loại, kể cả dầu lửa, mắm, muối, cá biển… Các ghe buôn trên nguồn cũng đổ về với lượng lâm sản phong phú như mật ong, lá nón, dầu rái, trầu nguồn… Rồi đến mùa trái lòn bon, mỗi ngày có cả hàng mấy chục ghe đầy ắp trái từ miệt nguồn xuôi về bến chợ, tấp nập bán mua, trao đổi. Chợ Hà Tân còn nổi tiếng với loại bánh tráng, bánh ít lá gai ngon nhất vùng; cá tươi trên sông từ những người dân vạn chài đánh lưới.
Sau ngày giải phóng, vị trí khu chợ Hà Tân có dịch chuyển vài lần, từ phía tây chuyển sang phía đông của cây cầu cũ. Hiện tại chợ được xây dựng hiện đại, khang trang ở đầu làng Đại An, xã Đại Lãnh. Chợ Hà Tân, ngôi chợ quê kiểng đã ghi sâu vào tâm thức tôi những kỷ niệm khó quên thời thơ ấu.
Theo đường 14, từ Hà Tân rẽ qua sông Cái đến Đại Sơn, sẽ gặp dấu xưa của một khu chợ miền sơn cước xa xăm: Hội Khách. Gọi là Hội Khách vì cứ mỗi tháng, người ta tổ chức tại đây vài lần gặp nhau để trao đổi hàng hóa giữa hai cộng đồng Kinh - Thượng. Người Cơ Tu ở những làng dọc sông Cái, sông Bung mang các sản vật rừng như trầu, trái, gỗ, quế, thú rừng… bán, sau đó mua về các loại nhu yếu phẩm như muối, vải vóc, lương thực… Hội Khách (nơi tụ họp của những khách thập phương), tên gọi của một khu chợ, giờ đã trở thành tên của một làng quê: làng Hội Khách.
Theo sông Vu Gia, từ Hội Khách xuôi về Ngọc Kinh, Đá Mọc, đến chợ Phường Đông (Đại Phong). Chợ nằm bên bến sông. Người ta kể rằng chợ Phường Đông đã có hàng trăm năm tuổi. Những người cao tuổi nhất làng Mỹ Hảo cũng nói rằng, khi họ sinh ra thì bãi chợ đã có. Ngày ấy bến sông thuyền bè tấp nập đông vui. Sở dĩ gọi là chợ Phường Đông vì thương lái đem hàng hóa đến đây buôn bán đều là người miệt xuôi, có cả người Tàu từ phía đông ngược thuyền buồm ghé bến. Nhà cửa san sát, thuyền bè tấp nập, chợ Phường Đông là trung tâm giao thương của cả vùng tây nam Đại Lộc thời bấy giờ. Chợ Phường Đông còn nằm sát làng trống Lâm Yên, một làng nghề lâu đời, nơi cung cấp các loại trống nhạc, trống hội đi khắp bắc nam. “Trống Lâm Yên - Chiêng Phước Kiều” là câu nói ví von để ca ngợi hai làng nghề nổi tiếng của Quảng Nam: Làng trống Lâm Yên (Đại Minh, Đại Lộc) và làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn).
Từ chợ Phường Đông, qua chuyến đò ngang trên sông Vu Gia để về với vùng đất hội hè một thời quá vãng với khu chợ nổi tiếng: chợ Hà Nha. Những người già ở làng Lam Phụng nhớ lại: Thời ấy, dưới các bến dọc sông Vu Gia, thường xuyên tấp nập ghe thuyền của khách thương hồ từ tận vùng Hội An, Cửa Hàn, Vĩnh Điện ghé vào đây buôn bán, làm cho nơi đây thành trung tâm của vải vóc mỹ miều. Ngựa xe tấp nập năm này tháng nọ làm cho khu vực Lam phụng - Hà Nha thành vùng thị tứ nhộn nhịp, đông vui với nhiều bến trầu, bến trái và các loại lâm sản khác như dầu rái, quế, mật ong… từ trên nguồn chở xuống; các loại hàng hóa vải vóc, muối, dầu lửa, cá, mắm… từ phía xuôi chở lên. Để rồi nơi đây, với cảnh sông nước hữu tình trở thành nơi trao đổi, hò hẹn, gặp gỡ, giao lưu của những khách thương hồ tứ xứ. Chợ Hà Nha bây giờ vẫn đông đúc nhưng không còn tấp nập như xưa nữa. Có lẽ do sự phát triển của xã hội ngày một hiện đại; có những nếp sinh hoạt chợ ngày trước phù hợp nhưng nay đã lỗi thời. Cái đông vui nhộn nhịp của chợ xưa không giống cái đông vui nhộn nhịp bây giờ nên chuyện cũ chỉ còn là hoài niệm xa xôi.
Bờ bên kia, đường lên Truông Chẹt đổ về An Chánh - Đá Mài, nơi có chợ Bến Dầu, cũng sầm uất không kém. Đặc sản của chợ Bến Dầu là dầu rái, một loại lâm sản quý hiếm của vùng tây nam Đại Lộc. Rồi ghé chợ Phú Thuận (Đại Thắng) để qua Phú Đa, Phường Rạnh của Duy Xuyên… Những tên đất, tên làng, tên chợ làm nhớ về một thời gian khó nhưng cũng đau đáu niềm yêu thương quê xứ khôn cùng. Về Quảng Huế, vùng ngã ba Giao Thủy, nơi hòa nhập dòng chảy của hai con sông lớn Vu Gia - Thu Bồn, nổi tiếng tằm dâu tơ lụa một thời. Ghé chợ Quảng Huế, khu chợ lâu đời của vùng đông Đại Lộc, nơi tiếp giáp với hai huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, ngoài hàng hóa cung cấp phục vụ đời sống cư dân, chợ còn bán mua rất nhiều sản vật địa phương, đặc biệt là rau quả làng Bàu tròn, xã Đại An và mía đường vùng đất ba châu Đại Hòa với món đường non nổi tiếng.
Khi đến vùng quê nào đó, ghé vào một khu chợ, nhìn cung cách mua bán, sự dồi dào của hàng hóa, người ta có thể đánh giá được sự giàu có hay đói nghèo. Nhìn nếp sinh hoạt, cách giao tiếp khôn khéo của những người đi chợ có thể hiểu được tập quán, phong tục và cả sự phong phú về đời sống văn hóa tinh thần.
Chợ quê là vậy. Dù đi đâu ở đâu, có ai đã từng một lần quay về với mấy nẻo chợ quê?
NGUYỄN HẢI TRIỀU