Nhớ cơm khoai khô ngày mưa

NHƯ DIỆU 20/10/2014 15:57

(QNO) - Trời mưa, tôi nhận được món quà quê là bữa cơm ghế khoai lang khô bình dị mà dậy lên biết bao trìu mến và ấm áp về thuở ấu thơ.

Tháng 4, tháng 5 là thời điểm thu hoạch khoai lang rộ ở xứ Quảng. Muốn trữ lâu hơn, nhà nào cũng phơi phóng vài chum khoai khô làm lương thực phụ cho những ngày mưa gió trở trời. Khoai thu hoạch về chất đống trong góc nhà, phòng mưa gió tạt vào làm ướt, thối. Mẹ tỉ mẩn ngồi bẻ những dây chạc còn sót lại, phân loại để riêng. Những củ khoai châm được luộc lên cùng với đậu phộng tươi, cho đám trẻ trong nhà ăn chiều cùng chén muối đậu; còn những củ to, láng vỏ nhất mới chọn làm khoai khô. Để cho mẻ khoai chắc chắc được đượm nắng, trước ngày “xuống dao” xắt khoai, đêm trước ai cũng bảo nhau nhìn trời.  

Từ mờ sớm, dưới nhà đã lục đục tiếng gàu xách va vào thành giếng. Muốn có mẻ khoai ngon, mẹ cẩn thận thả khoai vào chậu to rửa sạch, gọt vỏ rồi xắt măng. Nhà nào chuyên khoai khô sẽ có một cái bàn xắt trong nhà, xắt vừa nhanh, gọn, lát khoai đều đặn, không bị gãy nát như xắt bằng dao. Canh làm sao khi nắng vừa lên thì sân đã được quét tước sạch sẽ, đem rải đều khoai ra đón nắng. Công việc phơi khoai tưởng dễ mà khó, thường chỉ dành cho người phụ nữ khéo tay nhất trong nhà, bởi phải đưa tay trải nhanh làm sao để từng lát khoai phủ đều ra sân, không bị lát nọ chồng lên lát kia. Khoai xắt đến đâu được đưa ra sân phơi đến đó, nếu để lâu lát khoai thâm đen. Bọn trẻ con cũng được việc khi canh không cho lợn gà vào phá; nhất là canh “ông trời” thật kỹ, thấy mây kéo đến là phải lo ới ba mẹ, hàng xóm dọn khoai. Để chum khoai không bị mối mọt, khoai đang đượm nắng ngoài sân còn nóng hôi hổi được cho vào chum, phủ một lượt lá tràm lên trên rồi đậy nắp kỹ, như vậy là đã yên tâm có lương thực dự trữ cho ngày mưa. 

Nói là dự trữ cho ngày mưa, nhưng chỉ cần trời chuyển thu se dịu, các bà, các cô đã bảo nhau sửa soạn “khui” chum, nấu bữa cơm khoai ghế đầu tiên. Dường như bao nhiêu cái mật, cái ngọt của củ khoai rút cả vào, quyện với hương lá tràm cay cay, chỉ chờ người ta giở nắp chum là lan tỏa. Nấu cơm khoai khô “chống chỉ định” với ai đó hay có thói quen giở nắp nồi xem cơm chín sống thế nào; cơm khoai muốn ngon phải đậy kỹ, vần xuống lớp tro nóng bên bếp để cơm và khoai ủ hơi chín từ từ. Khi cả nhà đã quây quần bên mâm cơm mới thong thả giở nồi, miếng khoai mềm bùi và thơm ăn cùng cá bống kho tiêu tạo nên hương vị đặc trưng. Ngoài ra, khoai khô nấu chín, xới đường bát đã được thắng chảy vào cùng với ít gừng giã nhỏ cũng là món hấp dẫn đối với tụi trẻ con. Nhưng nhớ nhất là những ngày mưa lụt, nước ngấp nghé thềm nhà, có khi men lên đến chân phản. Cả nhà túm tụm trên bộ phản gỗ, ngóng nồi cơm khoai ghế đặt tạm trên cái bếp lò đã được kê cao. Bữa cơm ngày lụt chỉ có cơm khoai ăn với chén mắm cái dằm ớt xanh, nếu “sang” hơn thì được ít cá rô rạch thả lưới bên ruộng nhà chiên giòn mà ngon đến lạ lùng.  

Mẹ thường bùi ngùi bảo con nhà nghèo, mưa lụt đói kém mới phải cơm khoai triền miên. Bao đứa trẻ trong làng lớn khôn, trưởng thành cũng nhờ những mẻ khoai khô cất dành từ mùa nắng cho mùa mưa, từ mùa no đủ cho mùa lụt lội. Để rồi nơi phương xa chợt rưng rức nhớ bữa cơm khoai khô với bao hoài niệm.

NHƯ DIỆU

NHƯ DIỆU